Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:29 (GMT +7)
Tập thể dục quá sớm và những thói quen nguy hại cho bệnh nhân tiểu đường vào mùa lạnh
Thứ 4, 03/11/2021 | 08:59:15 [GMT +7] A A
Người bệnh đái tháo đường phải thay đổi những thói quen hằng ngày như chế độ ăn, sinh hoạt, tập luyện thể dục… và rất dễ làm sai cách, nhất là trong mùa đông nhiệt độ xuống thấp.
1. Những nguyên nhân mà người bệnh đái tháo đường dễ nhập viện vào mùa lạnh
TS.BS. Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra các nguyên nhân vào mùa lạnh, người bệnh bị đái tháo đường dễ nhập viện:
- Thứ nhất, do thay đổi đột ngột về mặt nhiệt độ. Những người đái tháo đường không có thói quen vận động thể thao đúng cách hoặc ít luyện tập. Khi đột ngột tập luyện khiến đường huyết tăng cao vượt quá mức chịu đựng của cơ thể.
- Thứ hai, tập luyện không đều đặn. Những người tập luyện vài lần/tuần hoặc tập đều 1 thời gian lại bỏ và tập lại thường sẽ gặp các khó khăn với sức khỏe. Nhưng cũng không thể ngừng việc luyện tập chỉ vì thời tiết đang quá lạnh. Người bị đái tháo đường có thể chia nhỏ thời gian luyện tập của mình ra, 10 phút vào buổi sáng và 10 phút vào buổi tối.
- Thứ ba, tăng cân. Nằm trên giường, trùm chăn xem tivi và ăn đồ ăn vặt là một thói quen phổ biến trong mùa đông, không riêng gì với người bệnh đái tháo đường. Càng dành nhiều thời gian ở trong nhà, bạn sẽ càng gia tăng nguy cơ ăn vặt.
Hãy theo dõi kỹ lượng thực phẩm giàu carbohydrate mà bạn ăn trong mùa đông và lựa chọn các loại thực phẩm thay thế khác, chứa ít carbohydrate hơn, ví dụ như súp ít muối nấu cùng với rau xanh và thịt nạc để làm ấm cơ thể
- Thứ tư, không uống thuốc thường xuyên. Hiện nay, nhiều người có tâm lý chủ quan mà tự ý dừng uống thuốc tiểu đường. Họ cho rằng, bệnh tình đã thuyên giảm, chỉ số đường huyết đã trở về mức bình thường thì không cần dùng thuốc nữa.
Tự ý dừng uống thuốc tiểu đường là hành động rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Nếu bạn cảm thấy tình trạng đã ổn định hơn thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị, hoặc đi khám để được đưa ra lời khuyên chính xác nhất.
2. Những thói quen nguy hại cho bệnh nhân đái tháo đường
- Không ăn bữa sáng
Người bệnh mắc đái tháo đường thường cho rằng nếu cắt giảm nguồn năng lượng cho cơ thể thì bệnh tình sẽ thuyên giảm. Vì vậy họ bỏ luôn bữa sáng, điều này khiến lượng đường trong máu thay đổi thất thường.
Kết quả là cơ thể bị gián đoạn các chức năng hoạt động của chất nội tiết insulin, gây ra sự suy giảm chức năng của tế bào beta của tuyến tụy, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường.
Hơn nữa, việc bỏ bữa ăn sáng làm cho bạn có xu hướng chọn lựa những thực phẩm ăn nhanh, thực phẩm nhiều muối hoặc lượng đường cao hơn để chấm dứt cơn đói. Do đó, bệnh tình không những giảm đi mà còn tăng nguy cơ đái tháo đường nặng hơn 55% so với người bệnh không bỏ bữa sáng.
Nghiên cứu trên tạp chí Diabetes Care chỉ ra rằng người mắc bệnh đái tháo đường ăn bữa sáng thường xuyên và giảm lượng đồ ăn vào buổi tối đã giảm lượng đường huyết xuống 20%.
- Không uống đủ nước
Việc uống đủ 2 lít nước (tương đương 8 cốc nước mỗi ngày) sẽ có khả năng giảm 21% nguy cơ tăng đường huyết.
Nước rất quan trọng đối với các chức năng của gan, thận để thải các chất độc ra ngoài. Nếu cơ thể bạn không được cung cấp đủ nước, các cơ quan sẽ không thể hoạt động bình thường. Kết quả là lượng đường huyết có thể tăng.
Các nghiên cứu cho rằng những người thừa cân và thiếu năng lượng sẽ ít được cung cấp nước hơn. Do đó, nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường của họ tăng lên. Tệ hơn nữa, nếu bạn thích đồ uống nhiều đường, bạn sẽ nhận được lượng calo không có giá trị dinh dưỡng. Lượng calo này không làm gì khác ngoài việc nâng cao mức đường huyết của bạn.
- Không tập thể dục
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc ít hoặc không tập thể dục làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch – chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,…; nguy cơ mắc các bệnh lý ác tính: ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến…; nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần kinh: trầm cảm, sa sút trí tuệ, rối loạn lo âu, mất ngủ…; nguy cơ mắc các bệnh lý cơ xương khớp: thoái hóa khớp, loãng xương, gout (thống phong),…
Việc vận động thể dục đúng theo Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ là vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày trong tuần. Với những bệnh nhân lớn tuổi hoặc có sẵn nhiều bệnh lý làm hạn chế việc tập thể dục. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cũng khuyến nghị nên tập thể dục cộng với đi lại hàng ngày ít nhất 60-75 phút để quản lý lượng đường trong máu tốt hơn.
Hơn nữa vào thời điểm buổi sáng, không khí lạnh và ẩm ướt hơn. Thậm chí 7 giờ sáng trời vẫn còn lạnh. Nếu người bệnh đái tháo đường duy trì luyện tập vào lúc 5 hoặc 6 giờ sáng như các mùa khác thì có thể sẽ bị nhiễm lạnh. Thay vì tập ngoài trời, có thể đi bộ trong nhà hoặc tập các bài tập theo hướng dẫn của chuyên gia.
Theo phunuvietnam.vn
Liên kết website
Ý kiến ()