Tại lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC và Qorvo chiều 16/7 ở Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hai bên sẽ cùng triển khai hoạt động đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, đồng thời hợp tác thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), hình thành hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.
Qorvo là nhà cung cấp chip bán dẫn Mỹ chuyên về nguồn và kết nối, với hơn 8.500 nhân sự trên toàn cầu, doanh thu đạt 3,77 tỷ USD trong năm tài khóa 2024. Năm 2022, tập đoàn này được Hiệp hội bán dẫn toàn cầu GSA trao danh hiệu "công ty chip bán dẫn được đánh giá cao nhất". Hãng cũng hiện diện tại Việt Nam trong nhiều năm, tập trung vào việc thiết kế chip.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Qorvo Bob Gruggeworth cũng chứng kiến lễ khai giảng chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch do tập đoàn này mở tại Việt Nam, đồng thời trao học bổng cho 40 học viên, được tuyển chọn từ các giảng viên, sinh viên xuất sắc của nhiều đại học trong nước.
Theo đó, Qorvo sẽ cung cấp giảng viên, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và chương trình đào tạo của tập đoàn, theo tiêu chuẩn Mỹ. Cùng với đó, hãng phần mềm Mỹ Cadence sẽ hỗ trợ toàn bộ bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch phục vụ chương trình đào tạo.
Theo đơn vị này, học viên sẽ được đào tạo bài bản về công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch Analog thông qua phần mềm tiêu chuẩn công nghiệp Cadence Virtuoso, có cơ hội kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Ngoài ra, họ sẽ được rèn luyện tư duy liên tục học hỏi, sáng tạo và cập nhật các xu hướng của ngành thiết kế mạch Analog, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn trong nước và quốc tế.
Sau khi hoàn thành khóa học trong ba tháng tại NIC Hà Nội, họ sẽ được ưu tiên thực tập, làm việc tại Qorvo và các doanh nghiệp đối tác của NIC.
"Lễ khai giảng hôm nay không chỉ đánh dấu sự bắt đầu chương trình đào tạo thiết kế vi mạch mà còn là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn", Bộ trưởng Dũng nói. "Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội."
Theo đề án "Phát triển Nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 đào tạo 50 nghìn kỹ sư, cử nhân cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có 15 nghìn cho công đoạn thiết kế.
Các chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch cùng các hoạt động hợp tác được kỳ vọng góp phần nâng cao năng lực nguồn nhân lực, từng bước hiện thực hóa, đồng thời thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và thiết kế vi mạch có tên tuổi trong khu vực và trên thế giới.
"Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ, trong đó có Qorvo tại Việt Nam", Bộ trưởng Dũng nói.
Ý kiến ()