Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:51 (GMT +7)
Tạo việc làm cho người lao động
Thứ 7, 18/12/2021 | 15:05:45 [GMT +7] A A
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm. Để tháo gỡ khó khăn này, các ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp thích ứng, tạo nhiều cơ hội để người lao động (NLĐ) thêm điều kiện tìm kiếm được việc làm mới.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, một số doanh nghiệp bị chậm tiến độ giao hàng, nhập hàng, tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động tạm thời. Lĩnh vực dịch vụ du lịch là một trong những thành phần kinh tế chịu tác động nặng nề nhất, nhiều lao động nghỉ việc. Trong năm 2021, có 8.000 NLĐ xin nhận trợ cấp thất nghiệp.
Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhu cầu NLĐ tìm kiếm việc làm đang có xu hướng gia tăng, do nhiều người mất việc vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thị trường lao động của tỉnh hiện chỉ đáp ứng được một phần nhỏ vì các KCN đa phần yêu cầu lao động có tay nghề cao, trong khi hiện nay chủ yếu là lao động phổ thông.
Để giải quyết khó khăn trước mắt, Sở LĐ-TB&XH đã tìm giải pháp thích ứng với thực tế khó khăn, tạo ra cơ hội việc làm cho NLĐ. Đơn cử như các sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức, có kết nối online với các tỉnh khu vực phía Bắc đã thu hút 200 doanh nghiệp tham gia, tại điểm kết nối Quảng Ninh có 132 lao động tham gia, trúng sơ tuyển 60 lao động. Hay như tổ chức ngày hội việc làm và xuất khẩu lao động đã thu hút được 71 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, có 500 lao động tham gia với 255 lao động trúng sơ tuyển... Ngoài ra, Sở cũng tăng cường hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa. Với cách làm này, trong năm 2021, đã tạo việc làm cho khoảng 14.000 lao động.
Cùng với các giải pháp trên, việc cho vay vốn giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Từ đầu năm đến nay, ngân sách tỉnh bố trí 120 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh để phục vụ cho vay giải quyết việc làm. Trên cơ sở nguồn vốn được bố trí, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã báo cáo Ngân hàng CSXH Việt Nam đối ứng 130 tỷ đồng vốn cho vay giải quyết việc làm năm 2021 để thực hiện cho vay trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã chỉ đạo các phòng giao dịch tranh thủ tối đa nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, vùng DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới... phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Anh Chíu A Pẩu (thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho biết: Gia đình tôi được vay 100 triệu đồng vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ theo chương trình cho vay giải quyết việc làm để phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất. Gia đình tôi đã tập trung đầu tư trồng 3,5ha quế. Hiện cây quế đang phát triển tốt, hy vọng khi thu hoạch sẽ có thu nhập ổn định...
Quảng Ninh hiện có khoảng 645.000 người trong độ tuổi lao động, với những giải pháp mà tỉnh và các sở, ngành, địa phương đang thực hiện đã góp phần nâng tỷ lệ NLĐ có việc làm ổn định, phát triển KT-XH địa phương.
Thu Trang
- Thông báo tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ và phiên GDVL online tháng 12 năm 2021
- Thu hút đầu tư vào công nghiệp: Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động
- Đa dạng hình thức giải quyết việc làm
- Đào tạo nghề, giải quyết việc làm: Trao “cần câu” cho người dân
- Nỗ lực kết nối việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh
Liên kết website
Ý kiến ()