Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:32 (GMT +7)
Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí
Thứ 6, 03/06/2022 | 15:37:42 [GMT +7] A A
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, sáng 3/6, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Qua thực tiễn đánh giá thi hành Luật Dầu khí ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008, Chính phủ nhận thấy, Luật Dầu khí và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của đất nước trên Biển Đông.
Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập tập trung vào một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các văn bản dưới Luật hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi…
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, Luật Dầu khí hiện hành có bố cục gồm phần giới thiệu và 9 chương, 51 điều. Qua các lần sửa đổi bổ sung năm 2000, 2008 và 2018 đã bổ sung thêm các điều 2a, 25a và bãi bỏ các điều 33, 34, 35, 36, 37, 39 và bãi bỏ từ "quy hoạch" tại khoản 2 Điều 38. Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được bố cục gồm 11 chương, 64 điều. Luật kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết đang có hiệu lực. Luật bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (không mẫu thuẫn, chồng chéo với các luật khác), các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật kèm theo.
"Nội dung của dự thảo Luật sẽ giải quyết 6 nhóm chính sách chính đã được Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ và được Chính phủ trình Quốc hội thông qua", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, điểm mới trong dự thảo Luật là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% áp dụng đối với lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Nội dung này được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam.
Phù hợp, tương thích với các điều ước quốc tế
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Nội dung dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, đề nghị rà soát, hoàn thiện đồng bộ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật và dự kiến danh mục các văn bản hướng dẫn khác cần ban hành - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo về tác động của việc các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn không được quy định tại Luật Dầu khí đối với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị dầu khí và việc quản lý toàn diện, đồng bộ hoạt động dầu khí. Hoạt động vận chuyển, tồn trữ, phân phối, xử lý, chế biến là hoạt động đầu tư kinh doanh có điều kiện, thực tế có nhiều yếu tố đặc thù, cần có quy định riêng điều chỉnh theo hướng chặt chẽ, phù hợp với đặc tính của hoạt động.
Bên cạnh đó, dự án Luật có quy định về triển khai dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ bao gồm phát triển khai thác, vận chuyển, xử lý dầu khí, thực chất là điều chỉnh một số hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn; đề nghị báo cáo về tính phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Một số ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn hoạt động dầu khí thượng nguồn, gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ quyền biển đảo quốc gia. Đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật khác có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát quy định về điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nhất là điều kiện về "không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu", quy định về "liên danh với các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia đấu thầu". Rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về: Phương pháp và tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu; hủy thầu; xử lý tình huống lựa chọn nhà thầu; cấm tham gia dự thầu trong hoạt động dầu khí và các nội dung khác có liên quan.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương liên quan đến hợp đồng dầu khí theo hướng phân cấp cho PVN chịu trách nhiệm về nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết hợp đồng dầu khí khi thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, khả thi...
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()