Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:56 (GMT +7)
Lâm nghiệp Quảng Ninh: Tạo sự chuyển dịch tích cực
Thứ 4, 29/09/2021 | 09:59:24 [GMT +7] A A
Lâm nghiệp Quảng Ninh đang bước vào vụ khai thác rừng trồng mạnh nhất trong năm, đáp ứng nguồn cung cho chế biến lâm sản. Đây là dư địa phát triển, kỳ vọng vào những chỉ số tăng trưởng ở quý cuối năm, góp phần chung vào sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp năm 2021.
Sản lượng gỗ khai thác, giá trị chế biến lâm sản tăng
Theo ông Nguyễn Văn Bông, Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng của ngành lâm nghiệp 9 tháng qua là diện tích rừng đến chu kỳ khai thác lớn, chất lượng rừng tốt làm tăng sản lượng và chất lượng gỗ khai thác; hoạt động chế biến lâm sản cũng mang lại giá trị lớn.
Huyện Ba Chẽ là địa phương có diện tích rừng sản xuất lớn nhất tỉnh, khai thác rừng từ đầu năm đến nay là trên 100.000m3, tăng 62% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là phần lớn diện tích rừng trồng mới, trồng lại sau cơn bão Haiyan (tháng 11/2013) đã vào vụ khai thác. Đây cũng là vụ huyện chú trọng trồng đúng mật độ, đúng quy trình trồng, chăm sóc, khai thác, đảm bảo độ bền vững của rừng, hạn chế tác động của gió bão. Sản lượng khai thác được cải thiện, đạt từ 70-90m3/ha (trước là 50-70m3/ha), đồng nghĩa với giá trị từ canh tác rừng trồng tăng 20-40%, mang lại nguồn thu cao cho người dân.
Công ty CP Trường Sơn 36 (CCN Nam Sơn, huyện Ba Chẽ), sản xuất các sản phẩm gỗ xẻ, gỗ ván thanh, băm dăm, từ đầu năm đến nay thu mua trên 10.000m3 gỗ rừng trồng của người dân, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Ông Bùi Quốc Phú, Giám đốc Công ty, cho biết: Năm nay, một trong những nỗi lo về nguồn gỗ nguyên liệu của đơn vị được giải tỏa. Người dân huyện có kinh nghiệm trồng và khai thác rừng, sản lượng, chất lượng gỗ tăng lên. Cùng với đó, ngày càng hình thành những đội quân khai thác, vận chuyển chuyên nghiệp, giúp cho người dân khai thác rừng ở những vị trí khó khăn. Người dân yên tâm sản xuất, đỡ vất vả hơn, nguồn thu cao, doanh nghiệp cũng vì thế mà được hưởng lợi.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Tiên vừa nhập thêm thiết bị máy móc mới để chuyên sâu chế biến gỗ ghép thanh. Từ đầu năm đến nay, nhờ chủ động về nguồn gỗ nguyên liệu tại chỗ, nên hoạt động sản xuất của Công ty được cải thiện.
Theo đánh giá chung, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng nhờ lợi thế nguồn nguyên liệu khá dồi dào, thuận lợi dịch vụ vận chuyển thủy qua các cảng biển nước sâu, nên hoạt động chế biến lâm sản của tỉnh 9 tháng qua được duy trì tương đối ổn định. Sản lượng đầu ra của Công ty Kỷ Long, Công ty CP Bình Thuận (địa chỉ TP Hạ Long) - 2 đơn vị thu mua lượng gỗ nguyên liệu khu vực miền Tây của tỉnh, đạt gần 300.000m3 gỗ xẻ, ván thanh và dăm gỗ, giá trị sản xuất gần 400 tỷ đồng...
Kỳ vọng 3 tháng cuối năm
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm, quý IV/2021 là vụ khai thác gỗ tập trung trên toàn địa bàn, ước sản lượng gỗ khai thác trên 150.000m3, lũy kế cả năm đạt gần 700.000m3, cao nhất trong những năm gần đây. Con số này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực chế biến lâm sản. Phần lớn các đơn hàng xuất khẩu dăm gỗ, gỗ thành phẩm sang thị trường Nhật Bản, thị trường lâm sản lớn nhất của tỉnh, cũng tập trung thời điểm cuối năm.
Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đánh giá: Nghị quyết số 19-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững và Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích lâm nghiệp phát triển bền vững, đang đi vào cuộc sống. Nhiều địa phương, đơn vị đã tập trung trồng mới, chuyển hóa diện tích rừng gỗ lớn, bao gồm cả cây keo và các cây bản địa khác. TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ là 2 địa phương đầu tiên được hưởng chính sách theo số 337/2021/NQ-HĐND, đang triển khai tích cực. Đến thời điểm này, huyện Ba Chẽ đã đạt gần 2.000ha rừng gỗ lớn; trong đó từ đầu năm đến nay phát triển trên 300ha rừng gỗ lớn.
Ông Nguyễn Bá Trượng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ, cho biết: Trong lâm nghiệp, nếu có nhiều diện tích rừng trồng gỗ lớn là thắng lợi. Chỉ phân tích ở khía cạnh chế biến, trong khi 1m3 gỗ nguyên liệu thông thường (gỗ nhỏ) chỉ lấy được 15-20% dành cho chế biến sâu, tức là làm gỗ xẻ, gỗ thanh, còn lại đều để băm dăm; thì 1m3 gỗ nguyên liệu gỗ lớn có thể lấy được đến 70% để chế biến sâu, giá trị chênh nhau đến 3-4 lần.
Có thể thấy, sự tác động từ các chính sách hiện hành, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ngành chuyên môn, sự vào cuộc tích cực của người dân đã và đang tạo ra sự chuyển dịch khá tích cực trong phát triển lâm nghiệp Quảng Ninh. Điều này cho thấy chỉ số tăng trưởng khả quan của lĩnh vực sản xuất này trong năm 2021, cũng như những năm tiếp theo.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()