Tất cả chuyên mục

Trong bối cảnh thị trường lao động đang chuyển dịch nhanh chóng và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng cấp thiết, Quảng Ninh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
UBND tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, chính sách đồng bộ nhằm gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề, hỗ trợ vốn và kết nối cung - cầu lao động. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tháng 2/2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 362/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức với 62 lớp, thu hút 3.757 học viên tham gia. Việc chú trọng đào tạo cán bộ, công chức không chỉ đảm bảo công tác quản lý, điều hành, mà còn tạo tiền đề cho việc triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn.
Song song đó, Quảng Ninh cũng triển khai xây dựng Đề án chiến lược phát triển của Trường Đại học Hạ Long đến năm 2030, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động trong và ngoài nước. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng, khởi đầu từ các chương trình đào tạo ngắn hạn cho đến những dự án hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; chú trọng đa dạng hóa hình thức đào tạo, từ đào tạo truyền thống tại các trường nghề, trung tâm dạy nghề, đến các khóa học trực tuyến, bồi dưỡng kỹ năng mềm.
Việc đào tạo lao động được tập trung vào các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như cơ khí, điện tử, du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khoẻ... Các khóa học ngắn hạn được thiết kế linh hoạt, dễ tiếp cận, phù hợp với đối tượng lao động trẻ.
Cùng với công tác đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm được triển khai trên nhiều kênh khác nhau, từ hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tư vấn hướng nghiệp, đến kết nối doanh nghiệp tuyển dụng. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã mở ra cơ hội mới cho hàng chục nghìn lao động, trong đó có cả những đối tượng yếu thế như người khuyết tật, lao động nông thôn.
Nhận thức rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ là lực lượng quan trọng trong giải quyết việc làm, Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nhóm đối tượng này; trong đó có hỗ trợ tuyển dụng lao động. Quý I/2025, đã có nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ hoàn tất thủ tục tuyển dụng, thông báo vị trí công việc, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp chế biến, dịch vụ du lịch và logistics. Đây là bước đi quan trọng nhằm đa dạng hóa kênh tiếp nhận lao động, giới thiệu nguồn nhân lực đã qua đào tạo nghề, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian tìm kiếm nhân sự phù hợp; giảm thiểu tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong từng lĩnh vực cụ thể.
Nhờ đa dạng các giải pháp, trong quý I/2025 , tổng số việc làm tăng thêm của Quảng Ninh đạt trên 7.650 lượt lao động, tương đương 25,5% so với kế hoạch năm (trên 30.000 lượt). Trong đó, thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, khoảng 1.700 lượt người lao động đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để khởi nghiệp và mở rộng việc làm; các doanh nghiệp trong KCN giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động, chủ yếu làm việc trong các nhà máy chế biến, sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện ô tô. Ngành Than tạo việc làm cho 500 lao động; lĩnh vực du lịch - dịch vụ hỗ trợ khoảng 1.600 lượt người; 150 lao động đã xuất cảnh làm việc theo hợp đồng; các ngành nghề khác đóng góp hơn 1.200 lượt việc làm… Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của việc kết nối chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Nhằm duy trì đà tăng trưởng việc làm trong quý II, tỉnh đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 9.000-10.000 lượt lao động. Theo đó, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường kết nối cung - cầu lao động, chủ động phối hợp với chính quyền các tỉnh lân cận để thu hút lao động ngoại tỉnh, đảm bảo các doanh nghiệp có đủ nhân lực ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, trường nghề để xây dựng các chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tế. Việc này không chỉ giúp người lao động nhanh chóng thích ứng với công việc mới, mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới công nghệ trong các ngành mũi nhọn.
Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư vào các KCN, KKT, phát triển doanh nghiệp, hợp tác tiếp tục được tỉnh chú trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nhiều cơ hội việc làm hơn cho người lao động.
Có thể khẳng định, thông qua các chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ vốn và kết nối cung - cầu lao động, Quảng Ninh đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết việc làm. Sự đồng hành chặt chẽ giữa chính quyền các cấp với các doanh nghiệp trên địa bàn đã góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, các địa phương nói riêng.
Ý kiến ()