Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 16:06 (GMT +7)
Tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội
Thứ 5, 28/11/2024 | 05:26:22 [GMT +7] A A
Đầu tháng 4/2024, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực đáp ứng về số lượng, cơ cấu, chất lượng, đảm bảo cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế… Thực hiện Đề án, các cấp, các ngành trên địa bàn đã xây dựng và triển khai quyết liệt, đồng bộ hàng loạt giải pháp.
Các ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 16/10/2023 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư, Kế hoạch số 319-KH/TU ngày 31/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp; tuyên truyền đến người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời… Vào cuối năm học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, một số doanh nghiệp phối hợp cùng các trường THCS, THPT trên địa bàn tổ chức tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu các chương trình học nghề cho học sinh lớp 9, học sinh THPT.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc quyền quản lý; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để tăng quy mô, chất lượng đào tạo, phân luồng tuyển sinh. Riêng Trường Đại học Hạ Long đã mở được 2 mã ngành thạc sĩ, 11 mã ngành đại học, 1 mã cao đẳng, 4 mã trung cấp đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quảng Ninh còn xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh nhằm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh để tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao đáp ứng nhân lực cho các ngành nghề mà tỉnh đang thu hút.
Tiêu biểu, tháng 7/2024, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2024/NQ-HĐND ngày 10/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025.
Trước đó, năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Việc thực hiện Nghị quyết này đã thu hút được học sinh, sinh viên giỏi theo học tại các trường trên. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện đã hỗ trợ cho 9.883 lượt học sinh, sinh viên với gần 41.033 triệu đồng.
Được biết, từ năm 2019 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho 224.917 người; trong đó đào tạo trình độ cao đẳng cho 4.889 sinh viên, trình độ trung cấp cho 33.697 học sinh, trình độ sơ cấp cho 155.870 học sinh và đào tạo dưới 3 tháng cho 30.461 học viên. Riêng năm 2024 này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo 13 nghề nghiệp mới cho khoảng 40.000 người; hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp nghề, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Chính phủ cho 1.175 người.
Các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ cùng các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp; hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 31.350 lượt người lao động, trong đó, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 950 người.
Mặt khác, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 52 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Đồng thời, tỉnh thực hiện các giải pháp thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao; trong đó đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi Ngân hàng dự kiến bàn giao trong quý 1/2025; Dự án nhà ở phục vụ công nhân Khu công nghiệp Sông Khoai tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2024, Dự án nhà ở xã hội Sunhome cảng hàng không Vân Đồn, huyện Vân Đồn đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1 trong số 3 tòa chung cư với quy mô 100 căn nhà để cho cán bộ, công nhân, người lao động thuê...
Việc triển khai tích cực các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã giúp tỉnh tăng số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, cung cấp lao động có kỹ năng cho thị trường lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đến nay đạt 87%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 51%. Điều này tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ; góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()