Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:31 (GMT +7)
Để ngành thương mại dịch vụ phát triển tương xứng
Thứ 2, 07/06/2021 | 09:41:10 [GMT +7] A A
Ngành thương mại dịch vụ của Quảng Ninh được đánh giá là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh và còn nhiều tiềm năng khai thác. Ðể tận dụng hết tiềm năng này, với vai trò nòng cốt, ngành Công Thương đã và đang đề ra các giải pháp để tập trung triển khai, đáp ứng tốt vai trò giao thương hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, tạo động lực phát triển KT-XH.
Trong những năm qua, hạ tầng thương mại bao gồm các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại. Đến nay, Quảng Ninh đã có 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại, 133 chợ, 88 cửa hàng tiện ích, 26 trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP, cùng hàng loạt hệ thống kinh doanh, phân phối các mặt hàng thiết yếu khác. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tình hình cung ứng hàng hoá trên địa bàn tỉnh luôn được bảo đảm, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của hơn 1,3 triệu người dân trong tỉnh.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cả các sản phẩm hàng hóa, với vai trò nòng cốt, Sở Công Thương đã bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, tăng cường công tác quản lý, cấp phép, kiểm tra các hoạt động kinh doanh có điều kiện, kiểm soát, bình ổn thị trường, ngăn chặn kịp thời các hành vi tăng giá bất hợp lý, vi phạm VSATTP, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại. Bên cạnh đó, công tác phát triển thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được đẩy mạnh, góp phần đưa các hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng ổn định và phát triển.
Không chỉ chú trọng vào thương mại nội địa, với thế mạnh về hàng hải và đường biên giới với Trung Quốc, Quảng Ninh đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển thương mại quốc tế. Các cửa khẩu, lối mở, kho, bãi hàng hoá và dịch vụ logistics được quan tâm đầu tư, nâng cấp mở rộng, đáp ứng đủ các yêu cầu cho hoạt động XNK hàng hoá. Đến nay, Quảng Ninh đã có 5 cảng biển, 1 cảng hàng không và 18 cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng dọc tuyến biên giới đường bộ, có đầy đủ lực lượng chức năng.
Để phát triển hoạt động thương mại tại các khu kinh tế cửa khẩu, tỉnh cũng đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, kho bãi, cơ sở vật chất tại khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới phục vụ hoạt động kinh doanh và công tác quản lý, như: Nâng cấp cửa khẩu Bắc Luân I; xây dựng cầu Bắc Luân II và đường dẫn; nâng cấp đập tràn cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Bắc Phong Sinh; xây dựng cầu phao tạm tại Km3+4 qua sông Ka Long để xuất khẩu hàng hóa...
Ngoài ra, tỉnh cũng đã huy động nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu. Nhất là hệ thống kho, bến, bãi bốc xếp hàng hóa phục vụ kinh doanh tạm nhập tái xuất, thực phẩm đông lạnh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đảm bảo nhu cầu lưu giữ, bảo quản hàng hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong thời gian chờ xuất khẩu và tái xuất hàng hóa. Có thể kể đến cảng Cái Lân (TP Hạ Long) với diện tích khoảng 129ha; cảng ICD Thành Đạt (TP Móng Cái) với diện tích gần 100ha; Trung tâm logistics thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn (huyện Bình Liêu) với diện tích 27,3ha... Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện đang có 43 dự án liên quan đến dịch vụ logistics tại các KCN, KKT với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 974 triệu USD.
Với sự đầu tư, quan tâm của chính quyền và doanh nghiệp, giai đoạn 2016-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã đạt gần 456.000 tỷ đồng, tăng bình quân 18,4%/năm, vượt chỉ tiêu 0,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng bình quân 8,43%/năm, vượt chỉ tiêu 3,43%. Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu cho ngành dịch vụ thương mại có tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tăng bình quân hằng năm từ 17-18% trở lên; kim ngạch xuất khẩu tăng 5-7% trở lên.
Để thực hiện mục tiêu đó, với vai trò chủ đạo, ngành Công Thương đã đưa ra một số giải pháp, trong đó chú trọng đến các ngành dịch vụ thương mại chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, nhiều lợi thế cạnh tranh, phù hợp tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Theo bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, định hướng phát triển dịch vụ thương mại trong thời gian tới, lĩnh vực logistics sẽ giữ vai trò nền tảng, tạo ổn định, tăng sức cạnh tranh cho toàn ngành dịch vụ thương mại. Cùng với đó là xây dựng hệ thống bán lẻ là lĩnh vực hoạt động căn bản, thường xuyên; xúc tiến thương mại là động lực phát triển...
Từ định hướng này, Sở Công Thương xác định các nhóm giải pháp chủ yếu là phát triển cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp như xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia triển lãm trong và ngoài nước. Đặc biệt, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách thu hút đầu tư hạ tầng và phát huy lợi thế vị trí cảng biển, cửa khẩu biên giới để khai thác hiệu quả hoạt động thương mại biên giới; hoạt động XNK theo thông lệ quốc tế.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()