Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:49 (GMT +7)
Tạo lập vành đai xử lý nợ xấu
Thứ 5, 05/08/2021 | 11:43:46 [GMT +7] A A
Nợ xấu, trích lập dự phòng và lãi dự thu của nhiều ngân hàng đồng loạt tăng mạnh trong quý II/2021 cho thấy, nợ xấu không còn là nguy cơ, mà đang dần hiện hữu.
Dự báo, nợ xấu sẽ còn tăng bởi Covid-19 diễn biến khó lường, trong khi “bảo kiếm” Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) sẽ hết hiệu lực trong vòng 1 năm nữa.
Thực tế cho thấy, “cục máu đông” nợ xấu giai đoạn 2012-2017 từng đẩy cả nền kinh tế vào giai đoạn khủng hoảng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng có lúc đứng trên bờ vực đổ vỡ. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành có thể xem như một bảo kiếm, giúp tốc độ xử lý nợ xấu được đẩy nhanh rõ rệt.
Trong 4 năm kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực, trung bình mỗi tháng, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý trung bình hơn 6.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số hơn 3.500 tỷ đồng trước đó. Đặc biệt, ý thức trả nợ của khách hàng đã tăng cao khi trong các hình thức xử lý nợ, phương thức khách hàng chủ động trả nợ đạt gần 40%, thay vì con số 22,8% giai đoạn trước.
Còn nhớ, khi Nghị quyết 42 được ban hành, một trong những cơ chế được các ngân hàng thương mại đón nhận nhất là quyền thu giữ tài sản đảm bảo (còn gọi là quyền chủ nợ). Việc được trao quyền chủ nợ đã giảm bớt được tình trạng chây ỳ trả nợ.
Song, Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực và các ngân hàng đang có nguy cơ phải quay lại cơ chế cũ, theo đó muốn thu giữ tài sản đảm bảo thì phải được sự nhất trí của con nợ. Điều này tất yếu làm quá trình xử lý nợ xấu chậm lại. Trong khi đó, do Covid-19 nên nợ xấu mới, nợ xấu cũ dồn toa; sự thiếu vắng cơ chế xử lý sẽ khiến “cục máu đông” nợ xấu hình thành trở lại, gây bất ổn hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.
So với giai đoạn trước, sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã tốt hơn, nguồn dự phòng cũng dồi dào hơn. Tuy vậy, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chất lượng nợ có thể biến chuyển rất nhanh. Dù lợi nhuận nhiều ngân hàng lên tới 5.000 - 10.000 tỷ đồng, song chỉ cần vài doanh nghiệp lớn rơi vào tình trạng nợ có khả năng mất vốn, thì số lợi nhuận này cũng có thể bị thổi bay ngay lập tức.
Trước tác động tiêu cực của Covid-19, các ngân hàng thương mại từng đề xuất Chính phủ và Quốc hội ban hành cơ chế khoanh nợ với các khoản vay bị ảnh hưởng nặng do Covid-19. Thế nhưng, với hàng triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ngân sách nhà nước không thể gánh nổi và hẳn nhiên, việc xử lý nợ xấu vẫn hoàn toàn dựa vào chính ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, việc tạo lập một hành lang pháp lý ổn định, lâu dài và thuận lợi cho các ngân hàng xử lý nợ xấu là rất cần thiết. Có thể nói, đề xuất luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 dưới hình thức ban hành một luật về xử lý nợ xấu vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là rất hợp lý và cấp thiết.
Thứ nhất, nợ xấu luôn nảy sinh trong hoạt động ngân hàng, chứ không phải là hoạt động bất thường xảy ra trong một giai đoạn nhất định nào đó. Việc ban hành một luật riêng về nợ xấu là cần thiết bởi Nghị quyết 42 dù hỗ trợ rất tốt các ngân hàng trong xử lý nợ xấu, song phạm vi của một nghị quyết vẫn chưa thể tạo hành lang pháp lý cao nhất và còn xảy ra tình trạng xung đột với các luật chuyên ngành.
Thứ hai, trong điều kiện rủi ro cho vay tăng cao, việc ban hành luật về xử lý nợ xấu không chỉ ngăn “cục máu đông” nợ xấu tái phát, mà còn giúp ngân hàng mạnh dạn cho vay, khai thông tín dụng.
Thứ ba, việc tiếp tục thực hiện các cơ chế liên quan đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quyền sử dụng đất, chính sách không được kê biên với tài sản cầm cố, thế chấp… cũng là cơ sở để hình thành thị trường mua bán nợ, giúp cả doanh nghiệp và ngân hàng xử lý nhanh nợ xấu, từ đó tạo cơ hội tiếp cận vốn mới cho doanh nghiệp.
Thứ tư, việc tiếp tục thực hiện các chính sách về xử lý nợ xấu hiệu quả sẽ đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống, tăng niềm tin của người dân vào ngân hàng.
Đương nhiên, trong bối cảnh hàng vạn doanh nghiệp đang khó khăn như hiện nay, bên cạnh việc bảo vệ quyền chủ nợ, cơ quan soạn thảo cũng phải hài hòa lợi ích, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của con nợ, tránh tình trạng lạm quyền trong thu hồi tài sản. Để làm được điều này, tất yếu, các cơ quan chức năng cũng phải tích cực tham gia quá trình xử lý nợ của tổ chức tín dụng và của cả hệ thống ngân hàng.
Theo baodautu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()