Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:52 (GMT +7)
Tạo lập môi trường kinh doanh hiệu quả
Chủ nhật, 12/03/2023 | 10:06:39 [GMT +7] A A
Theo thống kê từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong năm 2022, cả nước có hơn 148.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, đây được xem là con số kỷ lục từ trước đến nay.
Tuy nhiên, lại có tới hơn 93.500 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc rút lui khỏi thị trường. Bên cạnh những yếu tố tác động khách quan thì vẫn còn rất nhiều bất cập từ chính các điều kiện kinh doanh, thủ tục rườm rà, thậm chí là chất lượng thực thi của các văn bản pháp luật chưa thật sự tốt, còn chậm và chồng chéo... đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mong muốn có những nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách thể chế để có môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và hiệu quả, từ đó giảm gánh nặng chi phí không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá. Đây được coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tới.
Nhiều tín hiệu đáng mừng
Xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Do đó, hằng năm Chính phủ đều ban hành một nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ngay từ những ngày đầu năm. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018 là Nghị quyết số 19/NQ-CP, từ năm 2019 đến 2022 là Nghị quyết 02/NQ-CP và mới đây nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023.
Những nghị quyết này yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiến hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Với quyết tâm đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã đạt những kết quả khá tích cực, không chỉ thể hiện ở sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương mà còn thể hiện qua các chỉ số đạt được theo đánh giá của nhiều tổ chức thế giới.
Trên một số bảng xếp hạng do các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm trước, chất lượng môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực hơn. T
heo đó, các tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện như: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn Kinh tế thế giới-WEF) xếp thứ 67/141 (năm 2019), tăng 10 bậc so với năm 2018 (năm 2022, 2021 không đánh giá do dịch Covid-19); Ðổi mới sáng tạo (của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới-WIPO) xếp ở vị trí 44/132 (năm 2022); Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc) xếp thứ 86/193 và thứ sáu Đông Nam Á năm 2022, tăng hai bậc so với năm 2018; Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc) giữ vị trí 51/165 (năm 2021), tăng 37 bậc so với năm 2016,...
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) được tổ chức trong năm 2022, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany cho biết, hơn 1.200 thành viên EuroCham đều đưa ra tín hiệu lạc quan, tin tưởng vào trạng thái “bình thường mới” của Việt Nam, thể hiện qua Chỉ số Môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI) đã tăng từ 42 điểm lên 61 điểm vào tháng 1/2022.
Khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) sớm được thực hiện, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia châu Âu.
Có thể nói, sau 36 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng từ khoảng 4 tỷ USD khi bắt đầu đổi mới lên khoảng 409 tỷ USD năm 2022, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Hiện Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nước và vùng lãnh thổ, cũng như đang đàm phán 2 FTA khác.
Trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới như Mỹ, EU, Hàn Quốc,... và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng. Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Séc được tổ chức mới đây tại Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Séc Jozef Sikela đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh và ổn định nhất khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng hơn 7%/năm, cùng một môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, đâu đâu cũng nhìn thấy cơ hội đầu tư tuyệt vời.
Do đó, doanh nghiệp hai nước cần cùng nhau tìm kiếm những cách thức để tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế, kết nối giao thương. Séc luôn muốn khai thác tiềm năng của Việt Nam một cách đầy đủ hơn, coi Việt Nam không chỉ là thị trường xuất khẩu mà còn là đối tác để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác gần gũi.
Dư địa cải cách còn lớn
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số quy định, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm đáng kể, giai đoạn 2017-2019 Chính phủ ban hành 40 văn bản về cải thiện môi trường kinh doanh; đến năm 2019, cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh theo báo cáo của các bộ, ngành.
Cùng với đó, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh được cải thiện tích cực, số lượng ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được thu gọn, từ 267 ngành nghề vào năm 2014 giảm xuống còn 243 ngành nghề vào năm 2016 và giảm tiếp xuống còn 227 ngành nghề vào năm 2020,... Tính riêng trong năm 2022, chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản; gần 4.400 trong số 6.502 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đạt hơn 67%,...
Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 cũng đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ quy định kinh doanh và sớm đưa vào vận hành Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Đây được xem là điểm sáng trong cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua.
Bên cạnh đó, theo một khảo sát mới đây của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính ngày càng được cải thiện khi có 87% số doanh nghiệp đồng ý với nhận định “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 83% cho rằng “cán bộ thân thiện”; 75% đồng tình với nhận định “doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục”.
Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo nhìn nhận, những tín hiệu tích cực nêu trên phản ánh sự chủ động và năng lực thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự điều hành linh hoạt và quyết đoán của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động kinh tế những năm qua.
Tuy nhiên, xu hướng cải cách về môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn mang nặng tính hình thức, tình trạng “cài cắm” điều kiện kinh doanh trong các thông tư do cấp bộ ban hành vẫn còn nhiều,... Còn nhiều điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản đối với doanh nghiệp, làm cho các nguồn lực chưa được khơi thông, sử dụng hiệu quả; có lúc có nơi việc thực hiện chưa thực chất, triển khai một số chủ trương, chính sách chưa tốt, gây bức xúc và không tạo được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp.
Dù việc cắt giảm danh mục điều kiện kinh doanh là có, nhưng chủ yếu dưới hình thức gộp tên ngành nghề hoặc sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, để rút gọn về số lượng; thủ tục về đất đai còn rất khó khăn, có nhiều sự mâu thuẫn, chồng chéo của quy định pháp luật trong các lĩnh vực khiến môi trường kinh doanh vẫn còn những khoảng trống chưa được lấp đầy, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh.
Các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, phản hồi và xử lý các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, các tổ chức, hiệp hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giải quyết những bất cập, hạn chế trong khâu thực thi, tháo gỡ các rào cản về thể chế, quy định pháp luật.
Theo đó, quan điểm phải tạo mọi điều kiện để có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, an toàn nhất và minh bạch nhất cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Đồng thời, triển khai nghiêm túc, đầy đủ những nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã ban hành, tạo ra những đột phá cho môi trường kinh doanh giai đoạn tới với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, từng bước đưa nền kinh tế Việt Nam vươn lên phát triển nhanh và bền vững.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()