Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:16 (GMT +7)
Tạo không gian phát triển mới thành phố thủ phủ
Thứ 6, 08/03/2024 | 05:42:01 [GMT +7] A A
Tháng 3, tròn một năm TP Hạ Long tiếp nhận Quy hoạch chung đến năm 2040 theo Quyết định số 72/QĐ-TTg (ngày 10/2/2023) của Thủ tướng Chính phủ. Từ bộ công cụ mang ý nghĩa “xương sống” cho định hướng phát triển của thành phố thủ phủ, Hạ Long đã quyết liệt triển khai, hình thành không gian phát triển mới.
TP Hạ Long có vị trí địa lý kinh tế đặc biệt, là “tâm” của định hướng không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” của tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cũng bởi vai trò đặc biệt quan trọng này, trong Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hạ Long được định hướng phát triển theo mô hình đô thị thông minh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh của tỉnh...
Trong đó, cấu trúc phát triển gồm 5 vùng (vùng Vịnh Hạ Long; vùng phía Đông; vùng phía Tây; vùng Vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục; vùng đồi núi phía Bắc) và 1 hành lang ven Vịnh Hạ Long, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với Di sản thiên nhiên thế giới và các vùng núi phía Bắc thành phố... Quy hoạch khắc phục những tồn tại của phát triển nóng, khắc phục các điểm yếu về môi trường, nhất là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các địa phương trong vùng, trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận Quy hoạch, thành phố đã tổ chức triển khai công bố công khai đồ án Quy hoạch theo quy định, ban hành các kế hoạch, quyết định, xác định các nhiệm vụ chính lập và trình UBND tỉnh phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, chương trình phát triển đô thị, quy chế quản lý kiến trúc và nghiên cứu tiền khả thi các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối tạo động lực phát triển. Song song với đó, thường xuyên thực hiện rà soát, tăng cường quản lý quỹ đất nhằm thực hiện mục tiêu phát triển theo đúng định hướng. Sau một năm thực hiện, các mục tiêu, không gian phát triển của thành phố đang từng bước hình thành, đáp ứng tốt các yêu cầu đề ra.
Cụ thể, không gian, mô hình cấu trúc phát triển theo hướng đa cực với vai trò trung tâm kết nối của vịnh Cửa Lục đã thấy rõ khi với sự ưu tiên, quan tâm của tỉnh, các cầu Tình Yêu, Bình Minh là điểm nối mấu chốt, khép kín không gian của vịnh Cửa Lục đã hình thành. Các tuyến đường bao quanh vịnh đang từng bước được đồng bộ hóa, đầu tư dứt điểm với mục tiêu tạo không gian phát triển mới. Khu vực quanh vịnh được chỉnh trang đô thị, triển khai nhiều dự án đầu tư mới nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất theo hướng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tương tự, khu vực Vịnh Hạ Long, đang từng bước kết nối không gian gắn với Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Lan Hạ, đảo Cát Bà. Vùng phía Đông, đã hình thành các trung tâm hành chính - chính trị với các trụ sở cơ quan hành chính quan trọng của tỉnh; vùng phía Tây là không gian mới của đô thị, dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí quốc tế… với hàng loạt các dự án đô thị mới có giá trị hàng tỷ USD do các tập đoàn hàng đầu Việt Nam đảm nhận như Vingroup, Sun Group, BIM Group và Tập đoàn Tuần Châu đã và đang đầu tư xây dựng. Điều này đưa khu vực phía Tây của TP Hạ Long trở thành không gian sống hiện đại, chất lượng cao.
Và cuối cùng là vùng đồi núi phía Bắc được định hướng với các chức năng bảo tồn sinh thái, sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái cộng đồng cũng đang dần hình thành khi thành phố đang tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển đồng loạt các tuyến đường kết nối mới vùng thấp với vùng cao như đường nối Sơn Dương đến Đồng Sơn, Đồng Lâm và chuẩn bị triển khai đến Kỳ Thượng. Việc ưu tiên đầu tư này không chỉ tạo điều kiện để khu vực phía Bắc của Hạ Long phát triển, nhân dân vùng cao cải thiện đời sống mà còn góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư, phát huy dư địa đất đai vốn đang còn nhiều tiềm năng.
Nhìn từ thực tiễn trong nước và quốc tế, các đô thị muốn phát triển bền vững đều phải có chiến lược riêng để phát triển về không gian. Do vậy, việc thực hiện ngay Quy hoạch chung của TP Hạ Long đến năm 2040 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không chỉ giúp thành phố giải bài toán về phân bố không gian cho những mục tiêu phát triển, mà còn tháo gỡ những điểm nghẽn cơ bản về dư địa đất đai, quá tải hạ tầng kỹ thuật và thiếu đồng bộ của hạ tầng giao thông vốn là điểm nghẽn của 2 địa phương Hạ Long - Hoành Bồ trước khi sáp nhập.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()