Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:29 (GMT +7)
Tạo kết cấu hạ tầng đồng bộ
Thứ 5, 15/12/2022 | 15:28:48 [GMT +7] A A
Công tác bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu… luôn được tỉnh Quảng Ninh coi trọng theo hướng đổi mới toàn diện, mạnh mẽ. Một trong những hành động cụ thể chính là việc BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Cơ sở vững chắc
Những năm qua, Quảng Ninh đã xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khá đầy đủ nhằm thực hiện tốt nhất công tác bảo vệ môi trường bền vững trên địa bàn. Theo đó, tỉnh đã chú trọng đầu tư nguồn lực hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối từ NSNN ở các cấp và huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách thông qua các chương trình, đề án, dự án để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê điều được chú trọng. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được hơn 1.800km kênh mương, đầu tư gần 80km đê biển… nhờ vậy, hệ thống đê điều của tỉnh đã giúp tăng năng lực chống chọi bão lũ, thiên tai, giảm thiệt hại về mùa màng, cơ sở vật chất. Ông Phạm Văn An (thôn Hạ, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) cho biết: Nhờ hệ thống đê điều trên địa bàn được kiên cố giúp bà con chúng tôi yên tâm trồng trọt, chăn nuôi; vấn đề nước ngọt sinh hoạt trên địa bàn cũng được cải thiện đáng kể.
Cùng với đó, công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, hải văn trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm. Hiện Quảng Ninh đã đầu tư hơn 40 trạm, điểm quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ cho cảnh báo về thời tiết, ứng phó biến đổi khí hậu.
Việc thu gom xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn được tỉnh đầu tư mạnh. Đến nay, Quảng Ninh đã đưa vào vận hành 5 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt liên vùng, 2 khu xử lý riêng cho một số xã đảo, 4 khu chôn lấp; đầu tư, đưa vào hoạt động và vận hành thử nghiệm 26 lò đốt rác sinh hoạt… Đồng thời, tăng cường đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung ở các khu vực đô thị.
Đầu năm 2019, Quảng Ninh đã dừng hoạt động Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng; dừng hoạt động của 98/98 lò vôi thủ công gây ô nhiễm môi trường, hoặc không phù hợp quy hoạch. Các KCN tập trung đều có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn. Đặc biệt, tỉnh đã lắp đặt, vận hành thường xuyên, liên tục 162 trạm quan trắc môi trường tự động chuyển tải trực tiếp thông tin, dữ liệu tới Bộ TN&MT, UBND các địa phương, giúp cho việc quản lý, nằm bắt tình trạng ô nhiễm môi trường một cách chính xác, từ đó có biện pháp kiểm ra, xử lý, khắc phục triệt để.
Năm 2021, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì triển khai các dự án, như: Điều tra, đánh giá tiềm năng sử dụng đất đá thải (ngành than), tro xỉ thải (ngành nhiệt điện) và một số loại chất thải rắn công nghiệp thông thường (trong các KCN, CCN, cơ sở sản xuất công nghiệp), từ đó đề xuất giải pháp tăng cường chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu qủa tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Quảng Ninh.
Hiệu quả bước đầu
Qua việc đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong phát triển KT-XH đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các địa phương đã duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” gắn với thực hiện tiêu chí “3 sạch” trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trở thành phong trào thi đua tiêu biểu. Đã có 1.650 mô hình thu gom rác thải trên địa bàn hoạt động thường xuyên.
Các lực lượng, địa phương của tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý trên 1.300 vụ việc vi phạm môi trường đối với hơn 1.500 tổ chức, cá nhân, với tổng số tiền 27.851,6 triệu đồng; qua đó khởi tố, xử lý hình sự 36 vụ đối với 1 tổ chức và 37 đối tượng.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), hiện tỉnh đang triển khai quyết liệt lộ trình đóng cửa mỏ, giảm dần và tiến đến chấm dứt khai thác than lộ thiên đối với các dự án tại vùng Hạ Long và Cẩm Phả, tăng dần sản lượng khai thác than hầm lò để bảo vệ môi trường bền vững hơn.
Với việc tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng trong bảo vệ môi trường, thời gian qua môi trường trên địa bàn Quảng Ninh đã có những kết quả nhất định. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 96,7%, tất cả chất thải nguy hại phát sinh đã được chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xử lý chất thải nguy hại để xử lý theo quy định; các khu đô thị mới đều có hệ thống xử lý nước tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường, đưa tỷ lệ các đô thị loại 4 trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt trên 21%; tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên địa bàn tỉnh đạt 94,77%... Kết quả quan trắc chất lượng môi trường trong 5 năm qua cho thấy, các thông số môi trường cơ bản vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Những biện pháp mà tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương đang thực hiện giúp người dân Quảng Ninh được sống trong môi trường xanh - sạch - đẹp. Chất lượng môi trường được cải thiện, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số... Từ đó góp phần để Quảng Ninh đạt mục tiêu trở thành địa phương điển hình về thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc về tiêu chí TN&MT, ứng phó biến đổi khi hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.
Ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả:
Đồng bộ các giải pháp
Bám sát định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh và thành phố là chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên - con người - văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, lấy tiết kiệm tài nguyên, BVMT làm trọng điểm, TP Cẩm Phả đã xây dựng và tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về BVMT. Thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, Thành ủy trong công tác BVMT, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên than; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm do hoạt động sản xuất, khai thác tài nguyên gắn với xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về môi trường...
Cùng với đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc thi hành pháp luật về BVMT, tiếp tục rà soát, điều chỉnh hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, lồng ghép BVMT với khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. TP Cẩm Phả cũng tập trung hoàn thành đồng bộ các quy hoạch phân khu phù hợp với các quy hoạch chung; trong đó xác định rõ tiêu chí phân vùng, giải pháp quản lý các vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác phù hợp quy định và thực tiễn đặc trưng của địa phương. Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục; phát huy vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm trong tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức về BVMT, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu...
Ông Đàm Quốc Toản, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên:
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân
Hiệp Hòa là xã công giáo toàn tòng, đời sống nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và buôn bán nhỏ. Nếu như những năm trước, vệ sinh môi trường luôn là vấn đề nhức nhối của địa phương thì những năm trở lại đây, đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Xã Hiệp Hòa đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức BVMT gắn với chương trình xây dựng NTM nâng cao; đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Các thôn thực hiện tốt việc dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; duy trì tốt việc thu gom rác thải; xử lý các nguồn nước thải sinh hoạt; phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện việc xử lý, vận chuyển rác thải, không để hiện tượng ùn ứ rác trên địa bàn... Những kết quả trên đã tạo ra cảnh quan, không gian nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; góp phần xây dựng NTM nâng cao, nếp sống văn minh.
Ông Nguyễn Tiến Hiệp, Phó Trưởng phòng phụ trách môi trường, Công ty CP than Cọc Sáu:
Thực hiện nghiêm các quy định
Xác định BVMT là một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng, trong thời gian vừa qua, đơn vị luôn tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt. Bên cạnh đó, công ty còn triển khai một số giải pháp cụ thể, trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện duy tu, bảo dưỡng, cải thiện môi trường cảnh quan các công trình giáp ranh khu dân cư, thường xuyên tưới nước chống bụi, xúc dọn bùn đất vệ sinh môi trường đoạn đường dân sinh, cải thiện cảnh quan môi trường khu vực. Tổ chức nạo vét lòng suối mương thoát nước, củng cố kịp thời các đoạn kè mương qua khu dân cư trước, trong và sau các đợt mưa lớn; phối hợp chặt chẽ với địa phương trong triển khai phương án hiệp đồng PCTT&TKCN.
Cùng với đó, tổ chức trồng cây cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải, mặt bằng sản xuất; xử lý nước thải, phun nước chống bụi; thu gom, vận chuyển xử lý các loại chất thải phát sinh đúng quy định.
Bà Đỗ Thị Cử (thôn Cửa Tràng, xã Tiền An, TX Quảng Yên):
Chung tay từ những việc làm nhỏ nhất
Ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người dân và sự phát triển của xã hội. Thời gian qua, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn. Các đoàn thể đã tích cực thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh".
Các hộ dân chủ động vệ sinh môi trường từ gia đình đến các điểm công cộng, đường làng, ngõ xóm, giữ gìn vệ sinh chung, từng bước thay đổi thói quen trong sinh hoạt và sản xuất, không xả rác bừa bãi... Những hành động nhỏ bé đó đã góp phần tích cực để BVMT, xây dựng quê hương ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()