Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:07 (GMT +7)
Tạo dựng nền hành chính hiện đại
Thứ 7, 21/01/2023 | 09:50:23 [GMT +7] A A
Hiện đại hóa nền hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập quốc tế. Những năm qua, không ngừng nỗ lực xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp được coi là “chìa khóa vàng’ giúp Quảng Ninh bứt phá mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
Chế độ công vụ vì nhân dân phục vụ
Những ngày cuối năm 2022, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ tất toán hồ sơ, giấy tờ liên quan trong năm; trong đó có nhiều thủ tục liên quan đến cơ quan nhà nước trên địa bàn. Ông Phạm Văn Long, chủ một hộ kinh doanh ở phường Bạch Đằng (TP Hạ Long) cho biết: Thực hiện các thủ tục hiện nay được các cơ quan nhà nước giải quyết nhanh gọn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là nhận xét của rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh về chế độ công vụ vì nhân dân phục vụ của tỉnh những năm qua. Xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Quảng Ninh không ngừng xây dựng bộ máy chính quyền các cấp dân chủ, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển. Lề lối làm việc, phương thức quản trị của các cơ quan nhà nước dần được chuẩn hóa theo hướng hiện đại, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong hoạt động, thúc đẩy và phát triển chính quyền điện tử...
Tỉnh có nhiều giải pháp nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, lề lối làm việc, xây dựng chuẩn mực đạo đức, đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đội ngũ CBCCVC; riêng năm 2022, có hơn 19.000 lượt CBCCVC được tập huấn về số hóa hồ sơ, giấy tờ, giải quyết TTHC, sử dụng hệ thống một cửa điện tử...
Cùng với đó, tỉnh triển khai mạnh mẽ Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030"; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 "Về thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động; đến nay có 60% người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng chữ ký số, xử lý công việc trên hệ thống chính quyền điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ra quyết định. Hạ Long, Móng Cái đã đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thành phố thông minh; 100% các trường học, bệnh viện, trung tâm hành chính công, siêu thị triển khai sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt; 90% người trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử ....
Các ban, ngành, địa phương tích cực xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, góp phần hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh, địa phương, tạo thuận lợi giải quyết TTHC của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Quảng Ninh đã hoàn thành kết nối dữ liệu dân cư và hệ thống một cửa điện tử, đảm bảo 100% xác thực định danh điện tử và kết nối một số hệ thống thông tin trong dữ liệu quốc gia. 10 tháng năm 2022, tỉnh cung cấp 1.240/1.591 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là 76,95%, vượt 6,95% so với yêu cầu đặt ra.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Để xây dựng chế độ công vụ vì nhân dân phục vụ, một trong những nhiệm vụ mà tỉnh triển khai mạnh mẽ là cải cách TTHC. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước đưa vào mô hình trung tâm phục vụ hành chính công (HCC) tỉnh; thành lập các trung tâm HCC cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đã có 22 sở, ngành sử dụng con dấu thứ hai theo nguyên tắc “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh); đang tập huấn, triển khai nguyên tắc này đến trung tâm HCC cấp huyện. Tỉnh thực hiện liên thông quản lý văn bản tới 100% các cơ quan đảng, hành chính trên địa bàn.
Năm 2022, tỉnh triển khai nền tảng số hóa gắn với bóc tách dữ liệu đối với 20 TTHC của 5 ngành thí điểm (Tư pháp; LĐ-TB&XH; GD&ĐT; Y tế; Thông tin và Truyền thông) và 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ. Từ ngày 1/10/2022, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, trung tâm HCC cấp huyện đã thực hiện toàn bộ quy trình số hóa đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Đến nay, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh đã thực hiện số hóa 13.600 hồ sơ, trong đó có 1.706 hồ sơ thuộc 5 lĩnh vực thí điểm đã được bóc tách dữ liệu và lưu vào cơ sở dữ liệu chuyên dùng; trung tâm HCC cấp huyện đã thực hiện số hóa 135.039 hồ sơ đầu vào và 40.975 kết quả giải quyết TTHC.
Đến hết ngày 15/11/2022, Trung tâm Phục vụ HCC tỉnh, trung tâm HCC cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã giải quyết 1.062.504/1.094.919 hồ sơ tiếp nhận, số còn lại đang trong giai đoạn giải quyết; tỷ lệ giải quyết đúng hạn, trước hạn đạt từ 99,6% trở lên.
Những tiện ích trong xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử đã mang lại lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến của tỉnh đạt khoảng 70%, qua đó giúp doanh nghiệp, người dân có thể thực hiện nhiều TTHC ngay tại doanh nghiệp, gia đình.
Hiện 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử. Tỉnh đã đưa 186/267 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, qua đó tạo được thói quen giao dịch trên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ được người dân trong quảng bá sản phẩm và tăng lượng giao dịch, tăng doanh thu, đánh giá được thị trường tiêu thụ tốt hơn.
Ngành Y tế tỉnh ký xác nhận “Hộ chiếu vắc-xin” cho 1.332.254/1.370.941 đối tượng đã tiêm phòng Covid-19; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế đã triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip; 639.453 người dân có thẻ BHYT được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; qua đó giúp người dân thuận tiện trong thực hiện thủ tục mỗi khi đi khám, chữa bệnh và tra cứu kết quả khám chữa bệnh của bản thân ở tất cả các tuyến.
Những nỗ lực trên đã góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Theo kết quả đánh giá bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử tại Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến 15/10/2022, Quảng Ninh đạt 62,11/100 điểm, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố (sau tỉnh Hà Nam).
Với việc tiên phong đổi mới, mạnh dạn tháo dỡ những tồn tại đã mang đến những thành quả của tỉnh trong cải cách hành chính với mục tiêu hàng đầu là hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ; tạo sức bật mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên toàn địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()