Để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thì vai trò của giáo dục và đào tạo được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình xây dựng, phát triển ở mọi giai đoạn, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp trồng người, coi trọng việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Với tinh thần đó, những năm qua, Quảng Ninh đã nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Tỉnh đã chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, coi trọng đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế…
Những định hướng đúng đắn của tỉnh Quảng Ninh đã được khẳng định bằng chất lượng giáo dục năm sau cao hơn năm trước ở tất cả các cấp học, bậc học, ở giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Điều này có thể nhìn rất rõ trong năm 2021 này khi Quán quân vòng chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 21 đã gọi tên em Nguyễn Hoàng Khánh, học sinh Trường THPT Bạch Đằng, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Chiến thắng này đã giúp Quảng Ninh trở thành địa phương duy nhất trong cả nước có đến 3 thí sinh đã giành vòng nguyệt quế tại 21 vòng chung kết năm của Cuộc thi (trước đó đã từng có 2 em là Đặng Thái Hoàng, vô dịch năm 2012 và Nguyễn Hoàng Cường, vô địch năm 2018).
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, các em học sinh Quảng Ninh có kết quả điểm trung bình đạt 6,29 xếp thứ 36/63 tỉnh/thành, tăng 14 bậc so với năm trước (năm 2020 điểm trung bình đạt 6,04 xếp thứ 50/63 tỉnh/thành); tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 cao hơn năm trước đạt 97,4% (năm 2020: 96,30%). Còn tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 – 2021, tỉnh Quảng Ninh đạt 41 giải gồm có 01 giải Nhất, 08 giải Nhì, 13 giải Ba, 19 giải Khuyến khích. Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2020 - 2021 đạt 01 giải Nhất, 01 giải Ba; Huy chương Bạc tại cuộc thi “Triển lãm thiết kế và sáng chế quốc tế” do Hiệp hội Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức tại Đài Loan tổ chức. Tại Kỳ thi Quốc tế về khoa học đời sống - Global Competition for Life Sciences (viết tắt là GLOCOLIS 2021), được tổ chức tại Indonesia, Đội thi của Trường THPT Chuyên Hạ Long đã xuất sắc giành được huy chương đồng chung cuộc, với đề tài Sử dụng mô hình toán học để dự đoán làn sóng Covid - 19 tại các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2021, 2022.
Ngay từ khi mới thành lập, Trường Đại học Hạ Long đã nhận được sự ưu ái đặc biệt của tỉnh. Mang trong mình sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, Trường Đại học Hạ Long đã xác định đến năm 2030, sẽ trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng có uy tín, thương hiệu quốc tế, có vị thế hàng đầu trong nước về đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực du lịch, nghệ thuật và ngôn ngữ.
Chính bởi vậy, Trường đã sớm đặt ra mục tiêu phải xây dựng, phát triển để trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu của tỉnh Quảng Ninh và hướng tới trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước, trọng tâm là các lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo trên 6 lĩnh vực chính: Du lịch, dịch vụ; Ngôn ngữ; Kỹ thuật, công nghệ; Giáo dục; Xã hội và nhân văn; Kinh tế; Nghệ thuật. Đây là những ngành phù hợp với định hướng chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn của xã hội.
Để hỗ trợ Trường Đại học Hạ Long, ngoài đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, giai đoạn 2015-2020, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, qua đó góp phần thu hút mạnh mẽ nhân tài về làm việc cho nhà trường. Như: Quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017 và kéo dài đến 2020 (Nghị quyết số 178/2014/NQ-HĐND; Nghị quyết số 93/2017/NQ-HĐND; Nghị quyết số 285/2020/NQ-HĐND); Chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại Trường Đại học Hạ Long, giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND); Nghị quyết số 233/2019/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của HĐND tỉnh quy định chế độ chi cho giảng viên thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật và chính sách hỗ trợ người học một số ngành nghệ thuật tại Trường Đại học Hạ Long. Các chính sách này là điều kiện rất quan trọng để nhà trường nhanh chóng có được đội ngũ giảng viên chất lượng, bảo đảm việc mở 11 ngành đào tạo đại học. Đến nay, sau 05 năm thực hiện chính sách thu hút, Trường đã tiếp nhận và tuyển dụng 22 người, trong đó có 14 tiến sĩ và 08 thạc sĩ.
Tiến sĩ Vương Thị Bích Liên, SN 1976, Trưởng Bộ môn tiếng Nhật, Trường Đại học Hạ Long (diện thu hút theo chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật Bản) chia sẻ: Qua nhiều đơn vị công tác, nhận thấy tỉnh Quảng Ninh có nhiều cơ chế, chính sách giữ chân người tài, tôi đã quyết định về Trường Đại học Hạ Long để làm việc từ tháng 3/2020. Nhờ có sự hỗ trợ của tỉnh đã giúp tôi có cuộc sống ổn định hơn và yên tâm công tác tại trường, tôi sẽ nỗ lực để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của nhà trường nói riêng, của tỉnh nói chung.
Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết: Các tiến sĩ, thạc sĩ được thu hút đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đề án mở mã ngành mới, đã trở thành nòng cốt trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường. Trong quá trình làm việc, các tiến sĩ, thạc sĩ thu hút đã có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo giúp trường đẩy mạnh công tác tuyển sinh, cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo. Như vậy, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long trong thời gian qua là rất cần thiết và thực sự có hiệu quả.