Với tư duy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vì lợi ích của nhân dân, suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn tiên phong, đi đầu trong đổi mới ở nhiều lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ "nâu" sang "xanh" một cách bền vững. Trong thời điểm, ngành du lịch, dịch vụ gần như ngưng trệ do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cùng với mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp nặng như than, nhiệt điện, xi măng…, Quảng Ninh đã tìm cho mình một hướng đi mới, đúng, trúng với xu hướng là phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, qua đó kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng mới cho tỉnh trong những năm tới.
Công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp và của nền kinh tế. Ngành công nghiệp này được các chuyên gia kinh tế ví như “ngôi sao đang lên” đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Với Quảng Ninh, dư địa để phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là vô cùng lớn. Xác định và nhận diện rõ điều này, Quảng Ninh đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết, xây dựng lộ trình chi tiết, kỹ lưỡng nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trong ba trụ cột chính của ngành công nghiệp, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Một trong những tiền đề quan trọng để Quảng Ninh phát triển bứt phá, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết đầu tiên - Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết này một lần nữa khẳng định quyết tâm cao, cùng kỳ vọng rất lớn của tỉnh đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong giai đoạn mới.
Nghị quyết xây dựng rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện, tập trung vào việc xây dựng, thực hiện chính sách phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; tổ chức phân bố không gian trong xây dựng quy hoạch tỉnh; phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng; huy động nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong đó, quan điểm xuyên suốt là phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo có trọng tâm, trọng điểm dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và ở từng vùng, địa phương, từng KKT, KCN, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi trong các KKT để phát triển KCN và dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Kết hợp chặt chẽ phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, tăng nhanh quy mô và chất lượng dân số, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.
Nghị quyết xác định phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, tạo môi trường làm việc, môi trường sống văn minh, hiện đại an toàn, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động và chất lượng cuộc sống cho người dân. Định hướng phát triển ngành nghề sẽ tập trung công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp y dược, công nghiệp thời trang, chế biến sâu sản phẩm gỗ, thủy sản…
Còn nhớ, trước Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh đón tin vui khi Tập đoàn Thành Công quyết định đầu tư, triển khai Dự án Nhà máy sản xuất ô tô với tổng vốn đầu tư trên 4.500 tỷ đồng và Dự án Trung tâm Dịch vụ và hạ tầng ô tô Thành Công Việt Hưng có tổng nguồn vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long). Khi đi vào hoạt động sản phẩm của dự án không chỉ là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô cốt lõi hiện tại của Tập đoàn Thành Công - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và phân phối ô tô tại Việt Nam, mà còn hướng tới xuất khẩu, mang giá trị của ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và thế giới. Đây được xem như dự án “mở hàng” cho giai đoạn mới của Quảng Ninh trong thu hút những doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần vào thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế theo hướng bền vững của tỉnh.
Và từ sau khi ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo, Quảng Ninh liên tiếp đón những tin vui khi hàng loạt nhà đầu tư trong lĩnh vực này đến với tỉnh.
Mở đầu cho năm 2021 là Nhà máy May mặc của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt tại phường Cẩm Phú (TP Cẩm Phả). Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 13ha, tổng đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính: Nhà xưởng, nhà hành chính, trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm Uniqlo và các công trình phụ trợ khác. Tiếp đó, ngày 5/2, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty Singapore Lioncore Industries tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), tổng mức đầu tư 30 triệu USD. Lĩnh vực sản xuất chính của nhà máy là tấm sàn Vinyl Tiles/Plank, công suất gần 14 triệu m2 sản phẩm/năm. Ngày 28/3, tại TX Đông Triều, Công ty TNHH Mira TAV đã đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất nước giải khát và thực phẩm Thủy An Việt, với tổng mức đầu tư 251 tỷ đồng, quy mô xây dựng trên diện tích gần 5,9ha. Mục tiêu là xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát, sản phẩm bánh và kem cao cấp với dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, đồng bộ.
Gần đây nhất, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam có tổng mức đầu tư 500 triệu USD cho Công ty Jinko Solar Hong Kong, đầu tư vào KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên. Điều đặc biệt, Jinko Solar Hong Kong là một trong những nhà sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến nhất trên thế giới; năm 2019 xếp vị trí thứ nhất và nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu. Để tiếp tục mở rộng diện sản xuất, đoàn khảo sát của JinkoSolar đã đến Việt Nam 2 lần để khảo sát tổng cộng hơn 20 tỉnh, thành phố, hơn 30 KCN ở Việt Nam và quyết định lựa chọn KCN Sông Khoai để đầu tư sau khi phân tích, so sánh những lợi thế. Dự án có diện tích sử dụng đất 32,6ha. Dây chuyển công nghệ, máy móc, thiết bị mới 100%, nhập khẩu đồng bộ từ nước ngoài. Sau khi đi vào hoạt động, doanh thu bình quân của dự án sẽ đạt gần 1,3 tỷ USD/năm. Thuế thu nhập doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước sau thời gian ưu đãi về thuế khoảng 873 tỷ đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho trên 2.200 lao động với mức thu nhập cao.
Có thể khẳng định rằng với rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo quyết định đầu tư vào Quảng Ninh thời gian qua, cho thấy hướng đi đúng, trúng, phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế từ "nâu" sang "xanh", xu hướng phát triển nhanh, bền vững mà tỉnh đã đặt ra.
Những tháng đầu năm 2021, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, thế nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nhóm ngành công nghiệp.
Trong quý I/2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,02%, cao gấp hơn 2 lần so với bình quân của cả nước, đứng thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, chỉ sau TP Hải Phòng. Tổng thu NSNN đạt 10.526 tỷ đồng, bằng 21% dự toán, bằng 91% kịch bản, bằng 79% cùng kỳ, trong đó thu nội địa thực hiện đạt 8.310 tỷ đồng, bằng 100% kịch bản, bằng 83% cùng kỳ... Có được điều đó là do cả 3 khu vực kinh tế đều có sự tăng trưởng, trong đó động lực tăng trưởng chính của quý I là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 35,62%, cao hơn 20,81% so với tốc độ tăng quý I/2020 (cùng kỳ 14,81%) và cao hơn 14,42% so với kịch bản tăng trưởng quý I/2021 (21,2%), kéo theo khu vực công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất (tăng 8,73%), vượt 1,03% so với kịch bản. Qua đó đã bù đắp cho các ngành có tốc độ tăng trưởng giảm so với kịch bản đề ra, trong đó phải kể đến là ngành dịch vụ du lịch giảm gần 50% lượng khách và doanh thu trong quý I.
Được biết, đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 841 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 81,8% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp. Trong đó có 81 doanh nghiệp FDI, 760 doanh nghiệp trong nước. Quảng Ninh đã thu hút được những tập đoàn chiến lược, doanh nghiệp lớn đầu tư trên địa bàn, sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm mới có giá trị cao, như: Màn hình ti vi của Tập đoàn TLC; loa, tai nghe của Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam; vải dệt sợi tổng hợp, thân mũ của Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long...
Xác định công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là nguồn tạo ra động lực tăng trưởng mới, ổn định, bền vững, trong giai đoạn tới 2021-2025, Quảng Ninh tập trung ưu tiên thu hút, phát triển các ngành nghề: Công nghiệp điện tử, viễn thông; sản phẩm số; công nghiệp ô tô; công nghiệp chế biến thực phẩm, hóa dược và dược phẩm; công nghiệp năng lượng sạch; công nghiệp môi trường; công nghiệp thời trang; công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ phục vụ công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, tập trung vào Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm (phường Hải Hòa, TP Móng Cái) với mục tiêu sản xuất lắp ráp phụ tùng, linh kiện ô tô với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, giai đoạn 1 sản xuất 500.000 bộ linh kiện/năm, giai đoạn 2 là 1 triệu bộ linh kiện/năm cho Tập đoàn Vingroup; Tổ hợp nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, công suất tối đa 300.000 xe/năm và một số nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện công nghệ phụ trợ cho sản xuất ô tô tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long) của Tập đoàn Thành Công; các dự án nhà máy sản xuất, gia công các loại sợi, gia công thêu hoa các loại khăn, vải và trang phục, nhà máy sản xuất vải DENIM dệt kim và vải nhuộm dệt kim, nhà máy dệt kim... tại KCN Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà) và KCN Hải Yên (TP Móng Cái)…
Quảng Ninh hướng đến mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt 15%; đến năm 2030 đạt 20%. Thu hút vốn đầu tư trong giai đoạn 2020-2025 đạt trên 45.000 tỷ đồng (bình quân trên 9.000 tỷ đồng/năm); giai đoạn 2025-2030 đạt trên 30.000 tỷ đồng (bình quân trên 6.000 tỷ đồng/năm). Tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025 đạt 15-17%/năm; giai đoạn 2025-2030 đạt 17-20%/năm.
Với môi trường đầu tư thuận lợi, kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp đồng bộ, hiện đại, thủ tục hành chính cải cách mạnh mẽ, cùng với 11 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào địa bàn, đặc biệt là những doanh nghiệp về chế biến, chế tạo, công nghệ cao. Qua đó sớm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025: Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện ở phía Bắc.
Ý kiến ()