Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:15 (GMT +7)
Tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp
Thứ 3, 16/07/2024 | 07:05:27 [GMT +7] A A
Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Quảng Ninh trong hoàn thành mục tiêu 1 thập kỷ giữ vững đà tăng trưởng hai con số. Đây cũng là năm cộng đồng doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn từ sự bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, biến động an ninh thế giới, giải quyết những vấn đề phức tạp mới... Vì vậy, giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp được tỉnh chỉ đạo triển khai thường xuyên, hiệu quả.
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành hành chính, cải thiện chỉ số PAR Index, PCI, DDCI, Sipas… Sở Công Thương thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ trực tiếp để lắng nghe những vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ. Đầu tháng 6 vừa qua, Sở Công Thương làm việc với 7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh để nắm bắt về tiến độ triển khai các dự án sản xuất, tình hình cung ứng. Một số khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất điện liên quan đến chủng loại than cung cấp, tiêu thụ tro xỉ, điều chỉnh tăng sản lượng điện hợp đồng cho nhà máy phù hợp với kế hoạch sản xuất điện… đã được các doanh nghiệp trao đổi cụ thể. Đối với từng kiến nghị, Sở Công Thương đã giải đáp và cam kết tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan để có phương án giải quyết, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp sản xuất đảm bảo nhu cầu cho lưới điện quốc gia.
Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo chỉ đạo của tỉnh, từ ngày 6-14/6, Sở Công Thương tổ chức đoàn làm việc trực tiếp 13/13 địa phương để trao đổi trực tiếp với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, nắm bắt thực tế tiến độ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định, lắng nghe những vướng mắc từ thực tế.
Anh Bùi Văn Nguyên (Cửa hàng trưởng Trạm xăng dầu số 147, Công ty Xăng dầu Quân khu 1, TX Quảng Yên) cho biết: Đơn vị đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt từ tháng 8/2023, từ đó mang lại nhiều tiện ích cho đơn vị như tiết giảm nhân công, hạn chế sai sót trong khâu kiểm kê, đảm bảo an toàn trong thanh toán... Đến nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng đạt 30% tổng doanh thu song chủ yếu là bán theo hợp đồng. Hiện có một số khó khăn liên quan đến công tác thanh toán không dùng tiền mặt đó là người dân vẫn duy trì thói quen dùng tiền mặt, trình độ công nghệ một bộ phận còn hạn chế, đường truyền mạng phục vụ thanh toán còn chậm... Do đó, thông qua buổi làm việc với đoàn công tác của Sở Công Thương, đơn vị trao đổi trực tiếp những vướng mắc khách quan từ thực tế, để từ đó Sở có báo cáo với các cấp chỉ đạo giải pháp tháo gỡ đảm bảo việc thanh toán không dùng tiền mặt đạt kết quả cao nhất.
Nguồn vốn đóng vai trò quan trọng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, ngay từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-QUN1 (ngày 19/1/2024) về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là mở rộng hợp lý đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng, mũi nhọn; cung ứng các dịch vụ ngân hàng hiện đại...
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cam kết đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính minh bạch, phương án sản xuất kinh doanh khả thi không gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, tổ chức tín dụng gây trở ngại cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn. Song song với đó, các ngân hàng cũng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện theo quy định. Toàn tỉnh hiện có 295 lượt khách hàng (249 cá nhân, 44 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị được cơ cấu lại trên 1.422 tỷ đồng nợ gốc và lãi. Hết tháng 6, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 182.000 tỷ đồng, tăng 2,7% so với 31/12/2023, trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 107.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,8%; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 75.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,2%.
Bên cạnh cụ thể hóa các chỉ đạo bằng kế hoạch, chương trình, văn bản, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1919/QĐ-UBND (ngày 1/7/2024) phê duyệt Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh Quảng Ninh xây dựng thương hiệu “Quảng Ninh - Chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp". Tỉnh sẽ xem xét, giải quyết ngay trong quý 80% kiến nghị phát sinh, thành lập mới khoảng 2.000 doanh nghiệp/năm trong giai đoạn 2024-2030; có ít nhất 10 doanh nghiệp nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, tập trung nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về vai trò của đội ngũ doanh nhân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Qua đó, phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng để tạo động lực quan trọng cho phát triển KT-XH tỉnh nhanh, hiệu quả, bền vững.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()