Tất cả chuyên mục

Xác định hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư phát triển, ứng dụng KH&CN vào nhiều lĩnh vực. Từ năm 2010 đến cuối năm 2014, tỉnh đã phê duyệt 139 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (12 nhiệm vụ cấp nhà nước, 64 nhiệm vụ cấp tỉnh, 63 nhiệm vụ cấp cơ sở) với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng; 9 dự án đầu tư, ứng dụng tiến bộ KH&CN với kinh phí trên 182 tỷ đồng.
![]() |
Sản xuất xích vòng áp dụng công nghệ của Đức tại Công ty CP Cơ khí Mạo Khê - Vinacomin (TX Đông Triều). |
Nhiều đề tài, dự án tạo ra các sản phẩm mới, công nghệ mới, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương được áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và kinh doanh. Đặc biệt, từ năm 2012, tỉnh đã phê duyệt 21 dự án xây dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh với kinh phí gần 41 tỷ đồng. Đến nay 21 sản phẩm ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, như: Thanh long Uông Bí, chả mực Hạ Long, trứng gà Tân An, miến dong Bình Liêu… Qua đó, đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, các sản phẩm được xây dựng thương hiệu đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng và thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2015, tỉnh tiếp tục triển khai 22 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; 3 nhiệm vụ ứng dụng thành tựu KH&CN áp dụng theo chương trình nông thôn miền núi; 9 nhiệm vụ thuộc chương trình nông thôn miền núi và 13 nhiệm vụ cấp cơ sở.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh luôn ưu tiên nguồn lực, trung bình hàng năm dành từ 4-5% tổng chi ngân sách thường xuyên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao KHCN. Hoạt động KH&CN được đổi mới theo hướng ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác nghiên cứu khoa học đã phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Nhờ vậy, 70% số nhiệm vụ KHCN được ứng dụng, duy trì và nhân rộng. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện tốt chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi; tạo ra giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, chiếm 41,2% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
![]() |
Trồng giống bí mới cho năng suất, chất lượng cao do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN) chuyển giao cho người dân xã Hồng Phong (TX Đông Triều). |
Với sự quan tâm đầu tư thoả đáng của tỉnh trong việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất đã tạo ra được bước đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và các lĩnh vực khác. Nhiều địa phương như Ba Chẽ, Cô Tô, Quảng Yên đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ dân ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Một số địa phương đã chủ động đối ứng 20% kinh phí các dự án xây dựng thương hiệu; đối ứng cho các dự án đầu tư, ứng dụng tiến bộ KH&CN cấp tỉnh... Trong đó, phải nhắc tới cách làm của TP Uông Bí. Để tiếp nối dự án và nhân rộng giống mai vàng Yên Tử quý hiếm đã được thực hiện hiệu quả trước đó, năm 2012, thành phố đã làm chủ đầu tư dự án “Phát triển hoa mai vàng Yên Tử” với quy mô 3ha, gồm 3.000 cây bố mẹ và 30.000 cây giống được trồng tại xã Thượng Yên Công... Hiện cây mai vàng Yên Tử đang sinh trưởng tốt, đã ra hoa. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển thành công giống hoa mai vàng Yên Tử không chỉ góp phần khôi phục loài hoa gắn liền với danh thắng Yên Tử, mà còn giúp cho hàng chục hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng mai vàng Yên Tử.
Các địa phương, doanh nghiệp và người dân đã có sự phối hợp tích cực trong triển khi các dự án, mô hình phát triển sản xuất. Điển hình như nhiệm vụ “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá song chấm nâu trong ao đất tại huyện Đầm Hà” do Công ty CP Đầu tư và Phát triển thuỷ sản Bắc Việt chủ trì thực hiện. Công ty đã tiếp nhận thành công công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá song chấm nâu cung cấp ra thị trường; đồng thời phối hợp với nhiều hộ dân ở địa phương nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm cá song chấm nâu cho giá trị kinh tế cao. Qua đó, giúp cho người dân tiếp cận được công nghệ, kỹ thuật mới trong việc nuôi, chăm sóc cá song chấm nâu thương phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất và thu nhập của người dân.
Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất đã góp phần làm thay đổi nhận thức của địa phương, doanh nghiệp và người dân về phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá chất lượng cao, đem lại giá trị kinh tế cao so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trước kia, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Phạm Hoạch
Ý kiến ()