Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:21 (GMT +7)
Tạo động lực phát triển mới cho TP Hạ Long
Thứ 5, 21/12/2023 | 15:30:50 [GMT +7] A A
Ngày 21/12, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 02/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ và một số nội dung về công tác kiểm tra, giám sát. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.
Tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 02/10/2019 về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị. Ngay sau khi Nghị quyết 18 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát bằng nhiều hình thức linh hoạt và quyết liệt, phổ biến, quán triệt nội dung, tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm phổ biến, lan tỏa chủ trương đúng đắn, tạo đồng thuận của cử tri và nhân dân đối với chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh; đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Mặc dù chuẩn bị và triển khai trong điều kiện gấp rút về thời gian nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự chủ động, quyết liệt, đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền, vai trò của người đứng đầu, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với cách làm linh hoạt, sáng tạo, bài bản, khoa học, phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn của từng địa phương đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cử tri, nhân dân. Do đó, trong suốt quá trình triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đều nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, tin tưởng, không có đơn thư, kiến nghị của cử tri, nhân dân, cán bộ, đội ngũ công chức, viên chức liên quan đến việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.
Đến nay sau 4 năm thực hiện sáp nhập Hoành Bồ và TP Hạ Long đã tạo ra bức tranh hoàn toàn đổi khác, mở ra những không gian phát triển mới. Sau sáp nhập Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã hình thành một đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc và sự đa dạng độc đáo “có một, không hai” về cảnh quan, địa hình, tài nguyên du lịch, là hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Từng bước hình thành, phát triển mở rộng không gian đô thị về phía Bắc, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm. Bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt, việc sáp nhập đã phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh, đặc biệt là tạo đột phá về hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhiều công trình, dự án trọng điểm và giao thông động lực, nhất là các tuyến huyết mạch trên địa bàn huyện Hoành Bồ trước sáp nhập, đã được tỉnh quan tâm dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển đột phá với 15 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, tổng vốn đầu tư đến 18.345 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đầu tư 7 dự án với tổng mức đầu tư là 14.962 tỷ đồng, ngân sách thành phố đầu tư 8 dự án với tổng mức đầu tư 3.383 tỷ đồng.
Các dự án hạ tầng giao thông đã và đang triển khai có tác động rất lớn đến phát triển khu vực huyện Hoành Bồ cũ. Đây là các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng, kết nối vùng thấp với vùng cao, vùng động lực với vùng khó khăn góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm chênh lệch vùng miền; đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đẩy mạnh giao thương hàng hóa, phát triển du lịch sinh thái, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với đó, nhiều nguồn lực ưu tiên cho đầu tư phát triển đã góp phần thay đổi, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đổi mới phát triển của nhân dân các xã vùng cao, tạo ra nguồn lực nội sinh cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố mới, từ đó làm thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập trên địa bàn thành phố. TP Hạ Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022, sớm một năm so với kế hoạch. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên, số trường đạt chuẩn quốc gia tăng 16 trường so với năm 2020. An sinh xã hội được chăm lo đảm bảo; thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí Trung ương và tiêu chí nâng cao của tỉnh. An ninh trật tự được đảm bảo; từng bước khắc phục các tồn tại về môi trường để hướng đến phát triển bền vững.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cho rằng: Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ là một chủ trương đúng đắn, khoa học, hợp lòng dân, có tầm nhìn chiến lược, phản ánh tư duy đột phá, có ý nghĩa chiến lược lâu dài đột phá đối với sự phát triển toàn diện của thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Đó là sự kết tinh, khát vọng đổi mới, sự trăn trở của bao thế hệ lãnh đạo tỉnh; là kết quả của cả một quá trình diễn tiến khách quan, lâu dài trong lịch sử phát triển của địa phương, là sự mạnh dạn vận dụng trong thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cụ thể hóa sáng tạo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ vào điều kiện thực tiễn địa phương, được nhân dân đồng thuận ủng hộ, cán bộ, đảng viên đoàn kết thống nhất ý chí và quyết tâm hành động.
Việc thành công sáp nhập Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã mở ra một không gian mới, với tiềm năng và thế mạnh nổi trội cho sự phát triển của TP Hạ Long mới, đánh dấu bước ngoặt mang tính lịch sử, tác động đến sự phát triển của các địa phương trong tỉnh. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị nhiều năm. Kết quả này cũng cho thấy rõ được quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, sự vào cuộc đầy trách nhiệm, quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân trong tỉnh đã hiện thực hóa chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh, tạo động lực mới, cơ hội mới cho tỉnh và các địa phương trong quá trình hội nhập và phát triển.
Thống nhất với các ý kiến phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định Nghị quyết 18 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh rất đặc biệt. Sau 4 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã chứng minh được tính đúng đắn trong thực tế. Trở thành động lực phát triển mới cho thành phố Hạ Long. Đây là bài học kinh nghiệm rất quan trọng cần phải được đánh giá, tổng kết một cách kỹ lưỡng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, cùng với những cơ hội phát triển mới, việc mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức mới. Trong đó nhất là các vấn đề liên quan đến sắp xếp, xử lý tài sản công. Quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là đất rừng ngập mặn, đất nuôi trồng thủy sản khu vực Bắc Vịnh Cửa Lục. Việc chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch các phân khu còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ sau sáp nhập đã ổn định sau sắp xếp nhưng chất lượng đội ngũ ở một số vị trí việc làm chưa đáp ứng yêu cầu. Còn tiềm ẩn một số vấn đề về an ninh trật tự.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu TP Hạ Long cần quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo chất lượng ở các vị trí công tác. Tập trung phát triển đô thị bền vững, đặc biệt lưu ý tập trung phát triển đô thị ở khu vực Hoành Bồ theo tinh thần đồng bộ, hiện đại, gắn liền với việc đầu tư hạ tầng giao thông trên cơ sở định hình ngay quỹ đất và không gian phát triển; kiên trì thực hiện mô hình đô thị đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối; phát triển đô thị Hạ Long gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long, phát triển mở rộng không gian nội thành về phía Bắc vịnh Cửa Lục, khai thác phát triển khu vực nông thôn và đồi núi phía Bắc gắn với các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ sinh thái và sản xuất nông lâm nghiệp chất lượng cao. Quản lý chặt chẽ nguồn lực đất đai, phát huy nguồn lực về hạ tầng để kêu gọi thu hút đầu tư đúng hướng, theo quy hoạch nhằm tăng tỷ trọng đóng góp về du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, tạo đột phá phát triển của thành phố. Phát triển văn hóa giàu bản sắc, tập trung nâng cao chất lượng y tế cơ sở, giáo dục và đào tạo vùng khó. Tăng cường bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, Vịnh Cửa Lục, diện tích rừng tự nhiên, rừng ngập mặn. Tập trung chỉ đạo hoàn thành dứt điểm quy hoạch phân khu chức năng trên cơ sở bám sát các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung xử lý vấn đề còn tồn tại liên quan đến tài sản công, đất công. Giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Từ đó, tiếp tục tạo động lực phát triển mới cho thành phố Hạ Long.
Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến một số nội dung về công tác kiểm tra, giám sát.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()