Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:32 (GMT +7)
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Phát triển lâm nghiệp bền vững
Thứ 4, 17/11/2021 | 10:34:12 [GMT +7] A A
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của BTV Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã có những chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân; mở hướng đi mới trong bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, đưa lâm nghiệp của tỉnh tiếp tục có bước phát triển nhanh, bền vững.
Với gần 436.000ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm hơn 70% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có trên 370.000ha đất có rừng, rừng Quảng Ninh có vai trò hết sức quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo.
Trong nhiều năm, Quảng Ninh luôn là địa phương đi đầu trong nước về công tác xây dựng chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Tỉnh đã nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 38% năm 2000 lên 55,06% hiện nay, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành trong nước.
Tuy nhiên, để lâm nghiệp phát triển bền vững hơn, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và đáp ứng xu thế phát triển, vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, tháo gỡ, đòi hỏi những cơ chế, chính sách đột phá của tỉnh trong lĩnh vực này.
Xác định tầm quan trọng đặc biệt về phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn mới, ngay sau khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực (ngày 1/1/2019), Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước ban hành Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030. Đồng thời, ban hành chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững (Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND, ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh); hằng năm dành 3% dự toán chi thường xuyên để đầu tư cho các hoạt động lâm nghiệp, thể hiện rõ quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển xanh của tỉnh.
Để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc. Công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 19-NQ/TU được chú trọng, nhất là những quan điểm mới về phát triển lâm nghiệp mà Nghị quyết đã đưa ra. Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành gần 60 văn bản chỉ đạo, điều hành các hoạt động về lâm nghiệp.
Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đều xây dựng, triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, cụ thể hóa bằng các giải pháp phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với tình hình thực tế của tỉnh và từng địa phương, đơn vị; huy động mọi nguồn lực và xác định rõ mục tiêu, lộ trình, tiến độ thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Đỗ Xuân Trường cho biết: Bình Liêu hiện có trên 41.000ha đất rừng và đất lâm nghiệp. Triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TU, huyện tập trung phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, để vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa tăng độ che phủ rừng. Trong đó, đặc biệt vận động người dân chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, tham gia phát triển cây bản địa và cây dược liệu vốn là thế mạnh của huyện. Huyện đẩy mạnh tiến độ đề án giao đất giao rừng, dự kiến năm 2022 hoàn thành, nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống.
Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu được tỉnh, ngành NN&PTNT tỉnh và các địa phương triển khai là phát triển rừng gắn liền với sinh kế của người dân, nhất là vùng biên giới, hải đảo tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, Quảng Ninh đã tiến hành giao đất cho trên 34.000 hộ gia đình với diện tích 138.830 ha, cho 217 hộ thuê với diện tích 2.020 ha. Đặc biệt, từ năm 2021, triển khai một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững (Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND) thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ, mức hỗ trợ 100% giống và tạo điều kiện người dân tiếp cận vốn tín dụng và hỗ trợ lãi suất vốn vay mức 6%/năm/chu kỳ trồng rừng gỗ lớn, đã tạo động lực lớn cho phát triển nghề rừng theo hướng bền vững, đem lại "lợi ích kép” vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường.
Huyện Ba Chẽ là địa phương có diện tích rừng và đất rừng lớn nhất tỉnh, chiếm trên 90% diện tích tự nhiên của huyện. Giai đoạn 2020-2025 huyện đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh. Trong 2 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, huyện đã trồng mới trên 7.000ha rừng, trong đó gần 1.500ha rừng gỗ lớn, chiếm trên 20% diện tích rừng trồng mới. Đặc biệt, năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND, đã có 178 hộ gia đình được hỗ trợ trồng mới 304,6ha rừng gỗ lớn với kinh phí trên 3,8 tỷ đồng.
Là xã có diện tích rừng lớn nhất huyện Ba Chẽ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc Lưu Minh Thắng chia sẻ: Xã đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu; phân công đảng ủy viên phụ trách thôn để xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện. Người dân xã hiện đã hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn. Năm 2021, xã đã trồng mới được 670ha rừng, trong đó có 232ha cây quế. Chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng năm 2022, người dân xã đã đăng ký trồng mới 480ha rừng gỗ lớn; trong đó 470ha quế, 10ha cây sa mộc.
Hiệu quả của trồng rừng gỗ lớn đã được chứng minh qua thực tiễn. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng các loại cây lâu năm, cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Ông Tằng A Sám, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Mọi (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) chia sẻ: Trồng các loại cây bản địa như quế, hồi, sở mang lại thu nhập cao, nhưng chu kỳ khai thác dài, trong khi đời sống người dân còn khó khăn. Vì vậy, những chính sách hỗ trợ như Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND nếu được nhân rộng sẽ giúp thêm nhiều người dân vùng sâu, vùng xa có cơ hội chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn.
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TU, lâm nghiệp Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực theo hướng bền vững hơn. Toàn tỉnh trồng được 23.738ha rừng tập trung, trong đó có 1.473ha rừng gỗ lớn, tăng 10%/năm khi chưa ban hành Nghị quyết, tăng 13% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TU; giá trị sản xuất đạt hơn 1.200 tỷ đồng/năm, tăng gần 10% so với giai đoạn 2018-2019; khai thác và tiêu thụ 1.086.815m3/năm, tăng gần 20% so với giai đoạn 2018-2019, tăng 14% so với chỉ tiêu hằng năm theo chỉ tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TU; thu nhập bình quân của lao động lâm nghiệp trên 70 triệu đồng/năm. Đặc biệt, với hơn 60.000 lao động lâm nghiệp đã góp phần ổn định trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên giới, hải đảo.
Để Nghị quyết số 19-NQ/TU được triển khai hiệu quả thời gian tới vẫn cần thêm nhiều thời gian để vận động, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức người dân, nhất là những chính sách, giải pháp hỗ trợ mang tính lâu dài, đồng bộ, “tiếp sức". Những kết quả đạt được sẽ đưa lâm nghiệp phát triển bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng “xanh” của tỉnh.
Thu Uyên
- Chủ động nguồn giống cho phát triển lâm nghiệp
- Khởi động chính sách đặc thù phát triển lâm nghiệp bền vững
- Chính sách đặc thù phát triển lâm nghiệp bền vững
- Quảng Ninh ban hành chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững
- Đòn bẩy từ Nghị quyết phát triển lâm nghiệp bền vững
- Ba Chẽ: Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Liên kết website
Ý kiến ()