Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:15 (GMT +7)
Tạo động lực mới cho sản xuất công nghiệp
Thứ 6, 26/01/2024 | 10:50:11 [GMT +7] A A
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp,đặc biệt ngành chủ lực: Dệt may, da giày, ô tô, cơ khí là nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Công Thương triển khai năm 2024.
Ngành sản xuất chủ lực chưa tạo sức bật
Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ ra, thị trường của phần lớn các ngành công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử, chế biến thực phẩm, thép xây dựng…
Nhìn lại năm 2023, kinh tế thế giới suy giảm, cầu ở mức thấp ảnh hưởng lớn tới các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước, dẫn đến sản xuất công nghiệp sụt giảm đáng kể và hồi phục rất chậm.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không còn duy trì được vai trò là động lực chính của tăng trưởng như các năm trước đây. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến chế tạo năm 2023 tăng 3,08%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế so với các năm trước đó.
Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu còn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, còn thiếu vắng các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với các ngành sản xuất trong nước; phần lớn kim ngạch xuất khẩu do đóng góp của các doanh nghiệp FDI.
Trong những năm vừa qua, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Đáng chú ý, ngành điện tử Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng…
Điều này đã giúp Việt Nam trở thành top xuất khẩu điện tử lớn trên thế giới, nhưng cũng cho thấy tỷ trọng đang khá nghiêng về khối ngoại, khi có đến khoảng hơn 90% giá trị xuất khẩu thuộc về doanh nghiệp FDI, dù chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh nghiệp.
Hay như ngành cơ khí - vốn được coi là công nghiệp nền tảng, quan trọng trong ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam, nhưng lại đang thiếu các cơ chế để nâng cao năng lực tự chủ. Rất nhiều các thiết bị cơ khí chế tạo của các ngành xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải… vẫn đang phụ thuộc nhập khẩu.
Trong khi đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã và đang chuyển đổi cấu trúc của nền kinh tế thế giới, hiện bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo đã mang đến cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thực hiện công nghiệp hóa đất nước và bắt kịp các nước phát triển. Tuy nhiên, cũng phải đối mặt với các thách thức rất lớn với mô hình tăng trưởng hiện đang phụ thuộc nhiều vào lợi thế nguồn nhân lực giá rẻ khi lợi thế này đang bị cạnh tranh lớn bởi máy móc và tự động hóa, xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến đang phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI…
Cần thêm đòn bẩy, tạo đà tăng trưởng
Năm 2024, ngành Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%. Tuy nhiên, trong năm 2024, các ngành công nghiệp trong nước dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức. Kinh tế toàn cầu dự kiến hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm - nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả từ phía cung và cầu của nền sản xuất thế giới và khu vực - trong đó có Việt Nam.
Hơn nữa trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục. Việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản suy giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan.
Trong bối cảnh đó, để góp phần bảo đảm chỉ tiêu phấn đấu năm 2024 của ngành Công Thương, ông Trương Thanh Hoài- Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, Cục sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép...
Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Góp ý thêm giải pháp, TS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho hay, FDI là động lực tăng trưởng quan trọng, là bộ phận cấu thành hữu cơ nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, quá trình thu hút FDI cũng cần gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước. Cần tập trung giúp gia tăng giá trị sản phẩm công nghiệp của khối nội chiếm 60 – 65%, đồng thời tiến tới cân bằng kim ngạch xuất khẩu giữa hai khối.
Đồng thời, Việt Nam cần có chính sách kết nối tốt hơn doanh nghiệp trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cung ứng trong nước, với tư cách không chỉ chuỗi giá trị thấp mà tham gia vào chuỗi giá trị cao.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa... để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()