Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 08:05 (GMT +7)
Tạo đà phát triển thị trường lao động
Thứ 3, 29/03/2022 | 08:21:58 [GMT +7] A A
Vượt lên những thử thách khắc nghiệt của đại dịch Covid-19, bức tranh thị trường lao động của Quảng Ninh đang dần "sáng lên" ở cả hai phía cung, cầu. Bởi trong khi các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn để tăng tốc khôi phục sản xuất, tỉnh cũng đang quyết liệt triển khai các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) kết nối bến vững. Tạo đà phát triển thị trường lao động cũng là cách để tỉnh chủ động nguồn nhân lực phát triển KT-XH trong giai đoạn mới.
Cơ hội việc làm rộng mở
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang từng bước trở thành trụ cột chính trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh. Điều này được thể hiện rõ trong quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong đó, tỉnh đặc biệt ưu tiên và thu hút những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu. Do đó, những cơ hội việc làm rộng lớn đã và đang được mở ra. Cụ thể, theo khảo sát tại Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, ước tính lao động trong ngành công nghiệp chế biến cần có của tỉnh cho ngành này đến năm 2025 là khoảng 129.000 lao động; đến năm 2030 là 178.500 lao động.
Đối với lĩnh vực dịch vụ - du lịch, dù gặp phải khó khăn lớn, kéo dài suốt hơn 2 năm do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này của tỉnh cũng đang khẩn trương lấy lại đà tăng trưởng. Đồng nghĩa với việc dự báo trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi... cũng sẽ tăng mạnh để phục vụ du khách. Nhận định này của các cơ quan chuyên môn được dựa trên bối cảnh Quảng Ninh đã và đang kiểm soát hiệu quả tình hình dịch Covid-19, vững vàng tâm thế thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt.
Đặc biệt là từ ngày 15/3 vừa qua, du lịch Việt Nam đã chính thức mở lại toàn bộ hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới và triển khai theo Phương án số 829/PA-BVHTTDL do Bộ VH,TT&DL ban hành. Ngày 22/3, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức chương trình liên kết, xúc tiến du lịch với sự tham gia của đại diện 28 Sở Du lịch, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc...; sẵn sàng để mở cửa lại hoạt động du lịch với những sản phẩm đa dạng, thích ứng trong bối cảnh bình thường mới.
Trải qua 2 năm ứng phó dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quảng Ninh đã luôn chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phù hợp nhất để giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, giảm thiểu những tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội. Đây là nền tảng vững chắc để tỉnh nhanh chóng khôi phục, phát triển KT-XH, đảm bảo hoàn thành “mục tiêu kép”. Điều này thể hiện rõ trong loạt các dự án tầm cỡ được triển khai, các doanh nghiệp khẩn trương bắt nhịp tăng tốc sản xuất sau khoảng thời gian phải hoạt động cầm chừng...
Các KCN, KKT của tỉnh trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng luôn có sự đồng hành, hỗ trợ sát sao của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan. Điển hình như Ban Quản lý KKT tỉnh tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức các cuộc họp trực tuyến với nhà đầu tư, doanh nghiệp; xúc tiến, hỗ trợ đầu tư qua môi trường mạng; giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, thư điện tử... Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư phát huy tốt vai trò đầu mối hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án trong KCN, KKT...
Nhờ đó, chỉ riêng năm 2021, Quảng Ninh có khoảng 2.000 đơn vị, doanh nghiệp thành lập mới, gần 900 doanh nghiệp tạm dừng sản xuất kinh doanh trước đó bắt đầu hoạt động trở lại. Đến nay, toàn bộ 64/64 doanh nghiệp trong các KCN, KKT của tỉnh đều duy trì hoạt động khá ổn định với trên 33.000 lao động tham gia sản xuất tại khắp các nhà máy, phân xưởng sản xuất. Tổng vốn đầu tư thu hút vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 1.700 tỷ đồng. Từ đó, ngày càng có nhiều hơn các cơ hội việc làm tiếp tục được mở ra cho lao động cả trong và ngoài tỉnh.
Thu hút người lao động gắn bó lâu dài
Thực tế cho thấy, dù việc có sẵn chờ người, nhưng vẫn cần rất nhiều nỗ lực từ đồng thời nhiều phía để có thể kết nối được cung - cầu lao động một cách hiệu quả. Nắm bắt nhu cầu lao động rất lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19 khiến tình hình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, buộc phải thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân lực tạm thời... tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn chung. Điển hình như ngành LĐ-TB&XH đẩy mạnh hoạt động thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động... thông qua đầu mối là Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh.
Cụ thể, đơn vị tổ chức đều đặn các sàn giao dịch việc làm vào thứ 5 hằng tuần tại 4 trụ sở chính tại TP Hạ Long và 3 chi nhánh Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái. Trong bối cảnh dịch Covid-19, hình thức giao dịch, tuyển dụng online được áp dụng linh hoạt để không làm gián đoạn kết nối lao động - việc làm, vừa giúp doanh nghiệp tiếp cận thuận tiện hơn với NLĐ ngoài tỉnh. Cùng với đó, trang mạng xã hội facebook “Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh” được tạo lập, là kênh kết nối chính thống, uy tín để NLĐ thuận tiện, chủ động hơn trong việc tìm đến các hoạt động giao dịch việc làm, học nghề hoặc đi xuất khẩu lao động phù hợp với năng lực, nguyện vọng của mình.
Bên cạnh giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giới thiệu việc làm, “chìa khóa” để thu hút và giữ chân NLĐ lựa chọn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp phải kể đến các chế độ đãi ngộ hấp dẫn, các giải pháp bảo đảm sự an toàn trong lao động, sản xuất trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Điển hình như các chỉ đạo của tỉnh về ưu tiên quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Tiêu biểu, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư xây dựng khoảng 30 dự án nhà ở tập thể, trên 2.700 căn hộ, đáp ứng chỗ ở gần 8.000 công nhân. Tại Tổng Công ty Đông Bắc hiện đã đầu tư xây dựng 2 khu nhà ở tập thể công nhân, với tổng số trên 1.000 căn nhà chung cư, đủ đáp ứng chỗ ở cho trên 4.500 công nhân.
Còn tại KCN Hải Yên (TP Móng Cái), hiện đã có khoảng 4.000 công nhân được đáp ứng chỗ ở tại 4 khối nhà ở tập thể 5 tầng được đơn vị đầu tư xây dựng... Ngày 24/3 vừa qua, dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai tại TX Quảng Yên đã được khởi công, Dự án có quy mô 5 tòa nhà 6 tầng với 1.000 căn hộ, đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 5.500 người. Mỗi căn hộ có diện tích từ 26-67m2, giá trị từ 185-476 triệu đồng/căn, được đánh giá là phù hợp với thu nhập của công nhân lao động.
Cùng với nhiều hoạt động sản xuất trở lại thì số ca F0 là công nhân, người lao động tăng cao. Trước tình hình đó, tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ trong công tác sắp xếp doanh nghiệp, giải quyết chính sách cho lao động bị thôi việc; triển khai hỗ trợ NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh)... Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Ban Quản lý KKT tỉnh đã phối hợp tích cực với các ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nhanh chóng đưa công nhân quay trở lại làm việc, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm, tuyển chọn thêm lực lượng công nhân tại các địa bàn của tỉnh. Các doanh nghiệp trong các KCN, KKT cũng được hỗ trợ triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho gần 30.000 lao động; thành lập các trạm y tế lưu động phục vụ công tác cách ly điều trị tại nhà cho các công nhân lao động là F0 thể nhẹ...
Chiến lược đào tạo nghề gắn với việc làm
Phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh. Nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề được tỉnh triển khai thực hiện, đảm bảo đúng đối tượng, mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 140/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh Quảng Ninh. Việc ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả 2 nghị quyết này đã tạo cơ hội cho nhiều học sinh, sinh viên được học tập, tạo cơ hội việc làm với gần 2.000 học sinh, sinh viên các trình độ cao đẳng, trung cấp được hỗ trợ. Hằng năm, tỉnh liên tục ban hành những chính sách thu hút nguồn tuyển sinh đầu vào, nhằm đào tạo ra người giỏi nghề, đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng mà doanh nghiệp đề ra. Điển hình như Nghị quyết số 140/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh “Về chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh Quảng Ninh”; Nghị quyết số 187/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 “Ban hành một số chính sách thu hút và khuyến khích sinh viên học tập một số ngành đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long”; Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND “Về việc ban hành chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025”...
Cùng với những chính sách của tỉnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng chủ động, nỗ lực trong nâng cao chất lượng dạy và học. Toàn tỉnh hiện có 43 cơ sở GDNN, bao gồm 7 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN-GDTX, 2 trường đại học và 20 đơn vị sự nghiệp. Trong đó, số nhà giáo đạt chuẩn khối các trường cao đẳng chiếm 98,19%, trung cấp chiếm 95,7%, khối trung tâm GDNN-GDTX chiếm 87,18%, khối trường đại học có hoạt động GDNN chiếm 91,47%. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, các chỉ tiêu về công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại tỉnh qua các năm đều tăng. Riêng trong năm 2021, có trên 34.700 học sinh, sinh viên và học viên tốt nghiệp. Số có việc làm sau tốt nghiệp là 29.122 người, đạt 83,91%. Trong đó phải kể tới những nỗ lực trong việc điều chỉnh hình thức đào tạo để ngày càng gắn chặt với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động, bắt kịp xu hướng nhu cầu nghề nghiệp của xã hội, đặc biệt là các ngành nghề có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với việc làm, năm 2022, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương hướng và tăng cường liên kết đào tạo nghề trong điều kiện bình thường mới. Đặc biệt là chú trọng gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp để đổi mới ngay từ các khâu tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, phương pháp đào tạo... Đơn cử trong tháng 2/2022 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH và Tập đoàn Sun Group vùng Đông Bắc phối hợp tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển nguồn nhân lực, với sự tham gia của đại diện Phòng LĐ-TB&XH các địa phương và lãnh đạo các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Tại đây, các trường đã đề nghị được trực tiếp ký kết các hợp đồng phối hợp đào tạo cụ thể với Tập đoàn Sun Group vùng Đông Bắc, làm cơ sở để xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tăng cường thời lượng cho sinh viên đi thực hành, thực tập phù hợp với nhu cầu của Tập đoàn. Ngược lại, Tập đoàn cũng sẽ chủ động phối hợp với các nhà trường và Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh để liên tục cung cấp thông tin nhu cầu lao động, chế độ lương thưởng và các chính sách khác liên quan đến NLĐ, để các nhà trường nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo...
Các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động phát triển được quan tâm triển khai hiệu quả, đồng bộ đã và đang góp phần đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển của tỉnh trên hành trình bứt phá mới.
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()