Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:26 (GMT +7)
Tạo đà bứt phá mạnh mẽ về dịch vụ trong năm 2024
Thứ 5, 14/12/2023 | 15:33:51 [GMT +7] A A
Quảng Ninh định hướng phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại trở thành động lực tăng trưởng chính, tạo đà bứt phá mạnh mẽ cho GRDP toàn tỉnh trong năm 2024. Để hiện thực hoá mục tiêu này, hiện tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm tới các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như du lịch, dịch vụ thương mại, logistics, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng...
Trong năm 2023, kinh tế Quảng Ninh tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng ước đạt 11,03%. Đây là lần đầu tiên Quảng Ninh đứng thứ nhất Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước, là năm thứ 9 liên tiếp từ năm 2015 đến nay đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số. Trong đó, khu vực dịch vụ ước tăng 14,02%, đóng góp 4,57 điểm % tăng trưởng GRDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2022. Hàng hóa được cung ứng ổn định, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân. Các điểm du lịch thu hút đông đảo du khách tới trải nghiệm, đóng góp vào gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn. Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 17,1%, vận tải kho bãi tăng 19,8%, nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 20,2%, hoạt động dịch vụ khác tăng 11,8%...
Đặc biệt, từ cuối năm 2022, ngành Du lịch đã chủ động triển khai hàng loạt chương trình cũng như hoạt động kích cầu để thu hút du khách, “đi trước đón đầu” các dòng khách nội địa, khách truyền thống quốc tế và khai thác các thị trường mới. Đồng thời, tận dụng tối đa lợi thế mới từ hệ thống giao thông chiến lược đã đi vào hoạt động. Nhờ vậy, năm 2023, tỉnh đã đón tổng số 15,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 33,6% so cùng kỳ năm 2022, tăng 3% kế hoạch, trong đó khách quốc tế ước đạt 2 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 33.480 tỷ đồng, tăng 48% so cùng kỳ năm 2022, tăng 3% kế hoạch. Chi tiêu bình quân của một khách du lịch đạt 92 USD (năm 2022 là 83 USD).
Nhiều sự kiện, chương trình du lịch đã và đang được tổ chức thu hút sự tham gia của đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, như: Carnaval Hạ Long Hè 2023; Hội nghị phát triển du lịch; Liên hoan Ẩm thực; Giải Marathon VN Express; Chuỗi các sự kiện, chương trình chào mừng 60 năm thành lập tỉnh; Lễ hội Hokkaido tại Hạ Long chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; Hội chợ Thương mại và Du lịch quốc tế Việt - Trung lần thứ 15...
Năm 2024, Quảng Ninh đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế. Trong đó, phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển. Để thực hiện mục tiêu này, việc thúc đẩy phát triển du lịch, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, phấn đấu thu hút 17 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế.
Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, Sở sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị, sở, ngành liên quan tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tập trung phát triển mạnh thị trường khách Đông Bắc Á, Trung Quốc. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án dịch vụ, du lịch đang triển khai. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, du lịch gắn với thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm tại Hạ Long, du lịch sinh thái tại Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, phát triển các sân golf theo quy hoạch; hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi nguồn nhân lực ngành du lịch; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Sở cũng sẽ chủ động phối hợp với TP Hải Phòng để quản lý, khai thác có hiệu quả Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Đối với lĩnh vực Công thương, tỉnh sẽ phát triển hệ thống chợ đầu mối hiện đại, thông minh, bền vững; đẩy mạnh thương mại điện tử; phát triển các sàn giao dịch hàng hóa; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tăng cường kết nối giữa các địa phương trong vùng và liên kết vùng theo hướng trao đổi hàng hóa, gắn với liên kết các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, quảng bá, giao lưu quốc tế. Đồng thời, tập trung phát triển dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức, dịch vụ tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mới, hiệu quả.
Đặc biệt, Quảng Ninh quyết tâm triển khai có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh năm 2022 là “Chú trọng kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái để phát triển du lịch bền vững”. Trọng tâm là đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, nâng cao hiệu quả đầu tư, phát huy vai trò động lực của các khu kinh tế ven biển gắn với các khu đô thị, khu du lịch ven biển. Cùng với đó, tiếp tục chú trọng công tác hợp tác quốc tế và khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực biển hiệu quả; tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển.
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()