Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 13:31 (GMT +7)
Tạo chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở
Thứ 5, 15/12/2022 | 07:55:46 [GMT +7] A A
Xác định làm tốt, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở chính là góp phần giữ gìn ANTT, giảm thiểu các tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống xã hội, xây dựng mối đại đoàn kết trong nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng quan tâm thực hiện, tạo chuyển biến tích cực.
Ông Nguyễn Chính Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 phê duyệt đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể, tiến độ thực hiện cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các địa phương; giao Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì, tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, các cơ quan, tổ chức, địa phương đều xây dựng kế hoạch thực hiện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của đơn vị mình.
Giai đoạn 2019-2022, Sở Tư pháp đã tổ chức 12 hội nghị tập huấn cho 1.368 hòa giải viên ở cơ sở. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng cử báo cáo viên pháp luật hỗ trợ các địa phương trong công tác tập huấn, bồi dưỡng; đồng thời tăng cường biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ này.
Tại địa phương, các đơn vị cũng chủ động mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ và hòa giải viên. Đến nay, số hòa giải viên trên địa bàn tỉnh đã được tập huấn nghiệp vụ là 7.454/9.138 hòa giải viên. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương đến hết năm 2023 phải bảo đảm hoàn thành mục tiêu 100% hòa giải viên được tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.
Giai đoạn 2019-2022, Sở Tư pháp đã biên soạn 1 cuốn sách bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tập huấn viên và công chức làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; 3 cuốn sách bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở (số lượng in 1.815 cuốn) và 627.336 tờ gấp pháp luật, 14 infographic, 1 video đồ họa phục vụ chung cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở. Tại các địa phương, đã in ấn, phát hành 102.508 tài liệu về hòa giải ở cơ sở, trong đó nhiều tài liệu được biên dịch sang tiếng dân tộc thiểu số. |
Về tài liệu trong công tác hòa giải ở cơ sở được xây dựng dựa trên chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, có bổ sung thêm nhiều nội dung, kiến thức phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của tỉnh (bổ sung thêm các tình huống thường gặp trong công tác hòa giải ở cơ sở theo đặc thù địa phương...). Toàn bộ tài liệu tập huấn, bồi dưỡng và các ấn phẩm về hòa giải ở cơ sở đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử về phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, các cổng/trang thông tin điện tử thành phần của cơ quan, tổ chức, địa phương và nhiều trang mạng xã hội khác để tạo điều kiện cho tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở thuận lợi trong tra cứu, sử dụng.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, đoàn thể, sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, địa phương tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ tập huấn viên, nhất là hòa giải viên ở cơ sở; góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, giữ gìn an ninh trật tự, giảm thiểu các tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống xã hội phải giải quyết bằng con đường Tòa án hoặc cần chính quyền địa phương can thiệp. Quảng Ninh hoàn thành cơ bản 6 nhóm mục tiêu đề ra trong khuôn khổ đề án Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2022, trong đó có 3 nhóm mục tiêu vượt kế hoạch.
Toàn tỉnh hiện có 1.469 tổ hòa giải/1.452 thôn, bản, khu phố với 9.138 hòa giải viên, trong đó có 3.538 hòa giải viên nữ; 1.835 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Để phù hợp với tình hình thực tế, một số thôn, bản, khu phố (tại Ba Chẽ, Cẩm Phả, Tiên Yên, Uông Bí) thành lập 2 tổ hòa giải cùng hoạt động.
Nhìn chung, cơ cấu tổ chức các tổ hòa giải đều phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo mỗi tổ đều có ít nhất là 3 thành viên và có hòa giải viên nữ. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải đều có cơ cấu hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Đa số hòa giải viên ở cơ sở đều là bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố; trưởng ban công tác mặt trận; trưởng các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, CCB, đoàn thanh niên, người cao tuổi... Các hòa giải viên được bầu là những người có uy tín, phẩm chất đạo đức, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán ở địa phương, có khả năng vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác, được bầu chọn công khai, dân chủ.
Chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên, thể hiện rõ nét qua số vụ việc hòa giải không thành có chiều hướng giảm dần qua từng năm (năm 2019 là 411 vụ việc, năm 2020 là 428 vụ việc, năm 2021 là 291 vụ việc, năm 2022 là 194 vụ việc). Tỷ lệ hòa giải thành qua các năm luôn đạt trên 80%. Một số địa phương có tỷ lệ hòa giải thành cao, đạt gần 90% như Hải Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đông Triều, Quảng Yên.
Tại một số địa phương làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, số vụ kiện dân sự ra tòa án, số vụ việc vi phạm pháp luật và số vụ việc tranh chấp ra UBND cấp xã có chiều hướng giảm dần theo từng năm. Tiêu biểu như huyện Hải Hà là địa phương có số tội phạm, tệ nạn xã hội giảm rõ rệt (12,25%) so với giai đoạn trước. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Mặc dù vậy, theo đánh giá của cơ quan chức năng, thực tiễn triển khai công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc nhất định, rất cần sự quan tâm vào cuộc hơn nữa từ các cấp, ngành.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()