Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:19 (GMT +7)
Tạo sự yên tâm cho người dân và du khách từ quản lý ATTP
Thứ 3, 12/04/2022 | 09:00:50 [GMT +7] A A
Những ngày này, không khí du lịch ở Quảng Ninh trở nên sôi động. Chỉ trong 2 ngày 9 và 10/4, tỉnh đã đón hơn 108.700 lượt khách. Để có được kết quả này, trước đó, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, tạo yên tâm cho người dân, du khách đến Quảng Ninh, trong đó có việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 53.917 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến (SXKDCB) thực phẩm. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các ngành, địa phương vừa tạo điều kiện tối đa để các cơ sở này duy trì hoạt động, đồng thời vẫn đảm bảo tốt ATTP trên địa bàn.
Tỉnh đã tạo điều kiện để cơ sở SXKDCB thực phẩm thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính về ATTP. Cụ thể, năm 2021 cơ quan chức năng đã rà soát, bãi bỏ thủ tục hành chính cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo quy định; tiếp nhận, giải quyết 435 hồ sơ thủ tục hành chính về ATTP. Chi cục ATVSTP còn hướng dẫn, tiếp nhận 260 hồ sơ tự công bố sản phẩm của 187 tổ chức, cá nhân; đăng tải tên sản phẩm, tên cơ sở thực phẩm trên website của chi cục.
Để tạo điều kiện cho người dân cùng giám sát chất lượng vệ sinh ATTP trên địa bàn, các sở, ngành có chức năng quản lý ATTP còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, người dân về ATTP. Cụ thể, Sở NN&PTNT tiếp tục duy trì, vận hành, bổ sung, cập nhật thông tin của 61 đơn vị, 314 sản phẩm thực phẩm vào Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản; đăng tải 197 sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; phối hợp cùng Sở TT&TT, Bưu điện tỉnh hỗ trợ đưa thông tin hơn 400 cơ sở, hộ sản xuất thực phẩm nông nghiệp lên một số sàn thương mại điện tử trong nước. Sở Công Thương thường xuyên thông tin các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế tới các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; kết nối khoảng 80% sản phẩm OCOP tham gia chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử có uy tín...
Tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về ATTP với nhiều hình thức; trong đó tổ chức 2.141 lượt phát thanh, truyền thanh, gần 4.000 lượt tin, bài trên báo in, báo điện tử, hơn 13.300 băng rôn, phướn thả về ATTP... Đồng thời, các ngành chức năng và các địa phương cũng đã tổ chức 244 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho 15.642 lượt người là cán bộ quản lý ATTP các địa phương, người quản lý, chủ cơ sở SXKDCB thực phẩm trên địa bàn; tổ chức 646 buổi tọa đàm, nói chuyện, lồng ghép phổ biến kiến thức ATTP cho 27.093 người của các tổ chức hội, đoàn thể và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn tăng cường các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh với các đơn vị kinh doanh, phân phối trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông, thủy sản bị tồn đọng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh... Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 ha trồng trọt được chứng nhận VietGAP; 45 ha diện tích trồng trọt hữu cơ được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 14 vùng trồng cây ăn quả; 7 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; hình thành 17 cánh đồng lớn sản xuất lúa với tổng diện tích 745,6 ha...
Bên cạnh đó, tỉnh, các ngành, địa phương tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm ATTP chủ yếu tập trung vào các cơ sở có nguy cơ mất vệ sinh ATTP, cơ sở có đông người sử dụng sản phẩm... Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã thanh, kiểm tra 6.214 cơ sở, qua đó phát hiện hơn 1.100 cơ sở vi phạm, trong đó 327 cơ sở bị xử phạt với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Theo cơ quan chức năng, hành vi vi phạm chủ yếu là thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về điều kiện ATTP, vi phạm quy định về nhãn thực phẩm. Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan chức năng còn tịch thu, tiêu hủy gần 200 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP.
Ủy ban MTTQ , các hội, đoàn thể cũng tích cực vào cuộc trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn; phát động phong trào thực hiện các tiêu chí về ATTP gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục duy trì hiệu quả 345 CLB: Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; 13 mô hình điểm “phụ nữ kinh doanh thực phẩm an toàn” tại 13 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Được biết, từ ngày 15/4 đến 15/5, tỉnh thực hiện “Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất,kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Mong rằng, sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, các địa phương và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc đảm bảo ATTP sẽ tiếp tục góp phần vào việc tạo yên tâm, sự hài lòng cho du khách khi đến Quảng Ninh.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()