Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:44 (GMT +7)
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng: Tăng tỷ lệ vốn nhà nước lên 70% trong dự án giao thông PPP là rất đột phá
Thứ 6, 27/10/2023 | 23:05:15 [GMT +7] A A
Liên quan việc Chính phủ đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng vốn đầu tư các dự án giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công tư (PPP) lên 70% trong dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đây là điểm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, có tác động đến kinh tế, liên kết vùng.
Thu hút đầu tư tốt hơn vào dự án PPP
Chiều 27/10, trong phiên thảo luận tại tổ liên quan dự thảo nghị quyết trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc Chính phủ trình Quốc hội cho phép nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng vốn đầu tư các dự án giao thông đường bộ PPP lên 70% trong dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù là điểm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Thực tế, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, để giải quyết triệt để, Chính phủ và riêng Bộ Giao thông vận tải có mong muốn lớn hơn, đó là phải sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP nhưng nếu chờ sửa luật thì sẽ mất thời gian. Trong khi đó, lúc này, chúng ta đang rất cấp thiết trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để tác động vào kinh tế, liên kết vùng.
Giải thích thêm về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, có hai điều quan trọng trong các dự án PPP, một là không khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia.
“Nhà nước có thể tham gia bao nhiêu % cũng được. Nhà nước có thể tham gia đến 80% cũng không sao nhưng với các dự án hiệu quả cao thì Nhà nước chỉ cần 20%-30%. Rất linh hoạt”, Bộ trưởng cho hay.
Thứ hai, các dự án này tách giải phóng mặt bằng ra một dự án riêng. Nhà đầu tư khi cân nhắc tham gia dự án PPP quốc tế thì 100% mặt bằng đã có sẵn.
Ở giai đoạn này, theo Bộ trưởng Giao thông vận tải, việc nâng 70% vốn Nhà nước đã là rất đột phá, tạo sức hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP tốt hơn so với mức vốn hiện nay là 50%, được kỳ vọng có thể giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tốt hơn.
Liên quan đến băn khoăn địa phương hay Bộ Giao thông vận tải thu phí với các dự án quốc lộ, đường cao tốc giao địa phương đầu tư, ông cho rằng vấn đề này hoàn toàn bình thường.
Nêu kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc theo dõi bảo trì, bảo dưỡng rất quan trọng và chi phí rất lớn. Nếu để địa phương thực hiện thì nhiều địa phương không đủ khả năng tài chính để duy tu, bảo dưỡng đường cao tốc.
Với một số tuyến đường có sự tham gia của cả ngân sách trung ương và địa phương, sau này Quốc hội cho cơ chế thu phí thì sẽ thu chung và chia sẻ tỷ lệ, do đó sẽ không gây ra vướng mắc, Bộ trưởng nêu rõ.
Chậm giải ngân dự án tái định cư không làm chậm tiến độ xây dựng sân bay Long Thành
Trước lo ngại về việc chậm triển khai thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành dẫn tới dự án xây dựng sân bay có thể chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc chậm giải ngân của dự án tái định cư không ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Bộ trưởng Giao thông vận tải nhấn mạnh, dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, là dự án cảng hàng không có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực hàng không.
Riêng cấu phần giải phóng mặt bằng, diện tích rất lớn, hơn 5.000ha bao gồm 5.000ha cho sân bay, cảng hàng không và hơn 300ha cho khu tái định cư và khu vực ngoài sân bay.
Trong khi đó, bối cảnh triển khai dự án có những biến động không lường trước. Trong hai năm dịch bệnh Covid-19 (2020-2021), tình hình rất khó khăn để triển khai công việc, đặc biệt là việc đi xuống hiện trường kiểm tra đánh giá, nghiệm thu, bàn giao rất khó.
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine khiến giá nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng đến dự án xây dựng khu tái định cư của người dân.
Song theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đến giờ phút này, các dự án đang được khởi động, triển khai trở lại, thời gian thực hiện không lớn. “Giai đoạn khó khăn nhất về tiến độ dự án đã qua”, Bộ trưởng khẳng định.
Trước lo ngại của đại biểu Quốc hội về việc liệu dự án đền bù, tái định cư này bị kéo dài thêm ba năm thì có ảnh hưởng tới tiến độ chung không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, dù dự án giải phóng mặt bằng khu tái định cư có thể bị kéo dài đến năm 2024 nhưng tiến độ chung của dự án sân bay Long Thành vẫn đang được kiểm soát.
"Cá nhân tôi vừa là Bộ trưởng Giao thông vận tải vừa là người rất sát sao với dự án, tôi nghĩ dự án tổng thể của Cảng hàng không quốc tế Long thành nếu có chậm thì cũng không quá một năm. Lý do là toàn bộ phần diện tích để xây dựng Giai đoạn một (hơn 2.500ha) đã được bàn giao đầy đủ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Hơn nữa, theo Bộ trưởng, vấn đề tiến độ cần quan tâm nhất là của dự án nhà ga Cảng hàng không Long Thành nhưng nay đã chọn được nhà thầu và đang triển khai. Trong trường hợp chậm nhất, nhà ga này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.
Song, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng khẳng định, các dự án thành phần khác hiện nay đang bám theo tiến độ của dự án nhà ga. Nhiều dự án đang có tiến độ nhỉnh, trong khi nhiều dự án khác bảo đảm tiến độ.
"Có thể yên tâm, việc chậm giải ngân của dự án tái định cư không ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()