Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:45 (GMT +7)
Tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19: Bí quyết trở thành điểm sáng
Chủ nhật, 24/10/2021 | 15:10:18 [GMT +7] A A
Dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được đẩy lùi. Cả nước đang dần chuyển sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19".
Các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh đang từng bước được khôi phục. Những kết quả này có được là sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị, của mọi người dân. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn chưa thể hết được ngay. Với kinh nghiệm đã có, đặc biệt là với độ phủ vaccine, tình hình dịch COVID-19 đã đỡ căng thẳng hơn trước rất nhiều. Vì vậy, phải hết sức mềm dẻo trong việc đối phó với những diễn biến của dịch bệnh.
Báo Lao động dẫn lời các chuyên gia y tế nhận định, khi chưa phủ được vaccine như thời gian đầu thì rõ ràng chiến lược "zero COVID-19"(không còn COVID-19) đã giúp hạn chế nhiều ca nhiễm, hạn chế số ca tử vong.
Tuy nhiên, sự xuất hiện liên tiếp của các biến thể chỉ ra một thực tế rằng, virus SARS Cov-2 Corona sẽ không thể bị tiêu diệt và thế giới chỉ có thể chọn "chung sống" với nó. Đây sẽ là hướng tiếp cận tất yếu. Hơn nữa, khi đã bao phủ vacine ở mức độ cao thì chiến lược phải thay đổi. Chiến lược thích ứng linh hoạt với COVID-19 hiện nay là đúng đắn, chúng ta sẽ phải đi, phải cực kỳ linh hoạt với chiến lược mới.
Linh hoạt nhưng phải hết sức cảnh giác. Cập nhật mới nhất của Bộ Y tế đến tối 22/10 cho thấy, bản đồ cấp độ dịch toàn quốc đã gia tăng các xã phường nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ rất cao (màu đỏ) và nguy cơ trung bình (màu vàng), giảm xã phường xanh (vùng bình thường mới). Nếu chủ quan thì "một đốm lửa nhỏ cũng có thể trở thành đám cháy lớn" bởi một lẽ, chỉ cần 1 ca nếu không kịp thời được phát hiện có thể trở thành ổ dịch. Tình trạng này đã khiến nhiều nước trên thế giới vừa mở cửa rồi lại phải đóng để kiểm soát dịch.
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với COVID-19 là một yêu cầu bắt buộc lúc này. Phải luôn cảnh giác là vì, rất có thể SARS Cov-2 tiếp tục có biến chủng mới thì phải có chiến lược kiểm soát dịch nghiêm ngặt hơn.
Nhưng ở vào thời điểm này, tín hiệu tích cực đang ngày càng rõ nét. Hàng nghìn nhà máy trong các khu công nghiệp - khu chế xuất đã quay lại sản xuất, trong đó bao gồm cả những nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây là các mắt xích trong chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu nên kim ngạch xuất khẩu trong quý 4 dự báo sẽ gia tăng.
Theo tờ Thanh niên, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng khá (tăng trên 13,2%); Tăng tốc ấn tượng phải kể đến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung, dài hạn.
Tờ Tiền phong phản ánh, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên cả nước, một số tỉnh, thành phố đã kịp thời thay đổi phương thức, cách thức bố trí sản xuất nên vẫn giữ được nhịp tăng trưởng khá và trở thành điểm sáng kinh tế.
Điển hình như Hải Phòng về đích sớmtrở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu ngân sách và đứng thứ 2 cả nước (sau Long An) về thu hút đầu tư nước ngoài. Hay như Bắc Giang, từng là tâm dịch cả nước địa phương này trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế. Sự chủ động xây dựng ngay kế hoạch để phục hồi kinh tế trong khi còn đang ở tâm dịch giúp kinh tế tỉnh Bắc Giang không bị đứt gãy và tiếp tục đà tăng trưởng.
Đại dịch COVID -19 kéo dài gần 2 năm đã làm nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản. Chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp; Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự sụt giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký.
Thế nên, vực dậy doanh nghiệp để phục hồi nền kinh tế là quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Liên tục các gói hỗ trợ mới đây đã được ban hành, từ gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trị giá lên tới 38 ngàn tỷ đồng, tới gói thuế đặc biệt giảm thuế giá trị gia tăng tới 30% cho nhiều lĩnh vực, nhóm ngành.
Và hy vọng nữa - theo tờ Tiền phong là sẽ có gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp bằng ngân sách cho các doanh nghiệp đang khó khăn bởi dịch COVID-19. Quy mô gói này có thể tính toán ở mức 2.000 - 4.000 tỷ đồng. Điều cần thiết nhất lúc này là các nhóm giải pháp phải áp dụng đồng loạt và doanh nghiệp phải được tiếp cận nhanh hơn. Có vậy mới mong các gói hỗ trợ đủ mạnh vực dậy doanh nghiệp đi qua gian khó, hồi sinh.
Dịch COVID-19 đã làm suy giảm đáng kể nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý III tăng trưởng âm. Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP đòi hỏi sớm có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Theo tờ Đại biểu nhân dân, các chính sách hỗ trợ đã có nhưng để tiếp cận với chính sách lại không phải là điều dễ dàng với bất kỳ doanh nghiệp nào. Nhu cầu để tiếp cận nguồn vốn mới đặt ra rất cấp thiết đối với doanh nghiệp vào lúc này nhưng nhiều doanh nghiệp lại đang khó đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn để tiếp cận nguồn vốn. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, "nút thắt" này cần sớm được giải quyết để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn duy trì sản xuất, kinh doanh.
Báo Tiền phong dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính khi báo cáo trước Quốc hội thẳng thắn đánh giá: Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn của kinh tế cơ bản được đảm bảo.
Những tháng cuối năm 2021, Chính phủ sẽ tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Sớm đưa học sinh trở lại trường học an toàn.
Báo Lao động thông tin: Năm 2022, thách thức lớn song Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.
Còn trong báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định,cần xây dựng dự toán thu chi, mức bội chi ngân sách nhà nước trên cơ sở thận trọng hơn; tăng dự phòng ngân sách để chủ động nguồn nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nghiên cứu, đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng tỷ lệ nợ công phù hợp nhưng phải bảo đảm hiệu quả, bền vững, bội chi không quá 4% GDP.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()