Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:05 (GMT +7)
Tăng trưởng GDP năm 2023 có thể đạt trên 5%
Thứ 2, 16/10/2023 | 11:27:55 [GMT +7] A A
Theo báo cáo Chính phủ, dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực; trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Sáng 16/10, tiếp tục Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ký báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; đánh giá giữa kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.
Nền kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, năm 2023, nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (đến hết tháng 9 đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng). Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.
Với năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Kế hoạch năm tới có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: tăng trưởng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8%-5,3%...
“Nhìn chung, năm 2024 là năm thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023”, Chính phủ dự báo.
Đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ nêu rõ, sau nửa nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2023 dự kiến có sự thay đổi tích cực hơn so với giai đoạn 2016-2018, như: tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP (23,77-23,94% so với 23,37%); tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội (26,7% so với 37,6%); tỷ lệ lao động qua đào tạo (68% so với 58,6%)…
Các chỉ tiêu an toàn nợ công 3 năm 2021-2023 dự kiến đều trong giới hạn cho phép. Đến hết năm 2023, ước dư nợ công là 39-40% GDP, dư nợ Chính phủ là 36-37% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 37-38% GDP, thấp hơn ngưỡng cảnh báo quy định của Quốc hội, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, báo cáo chỉ rõ sau gần hai năm thực hiện, trong số 23 chỉ tiêu có thông tin, số liệu, có 10 chỉ tiêu có thể đạt được, 13 chỉ tiêu cần nỗ lực rất lớn.
Một số chỉ tiêu có kết quả khả quan như tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 3 năm 2021-2023 so với GDP đạt 33,61% (mục tiêu đặt ra là 32-34%); năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng giai đoạn 2021-2023 ước đạt khoảng 35,3-46,09%. Các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát. Một số chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia
Tại báo cáo, Chính phủ cũng đề cập những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025.
Theo đó, Chính phủ xác định tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm. Đổi mới phương pháp, cách làm để thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; nghiên cứu thực hiện thí điểm phân cấp việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện.
Giải pháp tiếp theo là nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Phát triển mạnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.
Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển bền vững, ổn định, lành mạnh các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản để góp phần nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.
Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.
Về một số khó khăn, hạn chế lớn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đánh giá, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, tạo áp lực lớn lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025 là 6,5-7%. Sau đại dịch Covid-19, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng. Thu hút vốn FDI còn gặp nhiều thách thức, nhất là trong việc thu hút các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao.
Việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, chưa tạo chuyển biến nhanh về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, theo đánh giá của Chính phủ.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()