Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:23 (GMT +7)
Tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt trên 6,5%, dù nhiều thách thức
Chủ nhật, 03/04/2022 | 14:58:41 [GMT +7] A A
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt 6-6,5%, lạm phát được kìm dưới 4%.
Tăng trưởng kinh tế phục hồi trở lại
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I.2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước và mức tăng này cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của quý I.2021 (4,72%).
Chủ tịch JCI Việt Nam Vũ Tuấn Anh cho rằng, nhiều ý kiến nhận xét GDP quý I.2022 tuy cao hơn cùng kỳ năm trước, cao hơn GDP quý I.2020, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng GDP quý I.2019 (6,85%), nhưng cách so sánh này là khập khiễng.
"Quý I.2019 chưa có dịch COVID-19, thì mức tăng trưởng GPD thuận lợi hơn. Nhưng khi dịch COVID-19 xảy ra, thì GDP quý I.2022 tăng 5,03% có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cho thấy các doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu và thích ứng trong điều kiện mới” – ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê), kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá một số hàng hóa tăng lên. Nhưng nhìn chung, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt.
Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh: Các số liệu kinh tế, xã hội trong quý I.2022 đã phản ánh nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng khi COVID-19 được khống chế.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng GDP quý I.2022 cũng đã hồi phục mạnh mẽ tại các “đầu tàu” kinh tế của cả nước như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của cả nước, tổng sản phẩm trên địa bàn TP.Hà Nội trong quý I.2022 tăng 5,83% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng cao hơn so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%).
Bước ra từ đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp tại TPHCM cũng đang có sự chuyển mình mạnh mẽ. Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, lũy kế trong quý I.2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TPHCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 11.878,6 triệu USD, tăng 3,5% so cùng kỳ (xuất khẩu không tính dầu thô đạt 11.427,4 triệu USD, tăng 0,9%).
Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Đà Nẵng, trong quý 1.2022, kinh tế Đà Nẵng có chuyển biến tích cực với giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 1,96%; thương mại - dịch vụ tăng 0,18%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,6%. Quy mô nền kinh tế thành phố quý 1 ước đạt 26.769 tỉ đồng, mở rộng hơn 830 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
Tăng trưởng GDP năm 2022 có thể trên 6,5%
Dự báo tăng trưởng năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết một số chỉ tiêu có thể khác so với kịch bản trước đây. Cụ thể, theo kịch bản thấp (xung đột Nga-Ukraina tiếp tục kéo dài, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp), tăng trưởng GDP quý II.2022 sẽ cao hơn 0,1 điểm phần trăm, tăng trưởng quý IV thấp hơn 0,1 điểm phần trăm.
Theo kịch bản cao (tiêm chủng mũi 3 trong nước được hoàn thành, xung đột Nga-Ukraina sớm kết thúc), tăng trưởng quý II.2022 sẽ cao hơn 0,2 điểm phần trăm số với dự báo.
Như vậy, theo cả hai kịch bản, tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn trong quý II, mục tiêu tăng trưởng được dự báo vẫn có khả năng đạt 6-6,5% như đã đề ra.
Về khả năng tăng trưởng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Phước Hưng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp đang quen dần với trạng thái "bình thường mới". Các nguồn nguyên liệu, thị trường cũng được kết nối sau thời gian gián đoạn và nhiều đơn vị đã phục hồi rõ nét.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá, xuất nhập khẩu có thể đạt kỷ lục mới với 750 tỉ USD, tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5-7% trong năm 2022. Trong dó, các gói hỗ trợ tạo tổng cầu mạnh và niềm tin vào nền kinh tế trên đà phục hồi thúc đẩy cả đầu tư trong và ngoài nước. Đầu tư công có khả năng tạo ra sự chuyển biến quan trọng và tạo sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng cảnh báo: Có thể xảy ra sự dịch chuyển dòng đầu tư nếu môi trường kinh doanh các nước ASEAN như Campuchia, Indonesia... có cải thiện quyết liệt hơn Việt Nam. Vì vậy, cần tiếp tục các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh để tạo sự chuyển biến vượt bậc, thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()