Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:50 (GMT +7)
Tăng sản lượng khai thác than cho điện
Thứ 6, 22/04/2022 | 09:15:45 [GMT +7] A A
Ngay từ đầu năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chủ động chỉ đạo các đơn vị khối khai thác than tăng sản lượng tối đa để cung cấp than cho các hộ tiêu thụ, nhất là các nhà máy nhiệt điện.
Theo Ban Điều độ Sản xuất than - TKV, quý I/2022, Than nguyên khai sản xuất toàn Tập đoàn đạt trên 10,5 triệu tấn, đạt 27% kế hoạch năm, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, than sạch thành phẩm đạt trên 9,6 triệu tấn, bằng 24,8% kế hoạch năm 2022. Tuy nhiên, sản lượng than nhập khẩu 3 tháng đầu năm mới chỉ đạt 10% kế hoạch năm, tương đương với 453.000 tấn. Than tiêu thụ đạt trên 11 triệu tấn, bằng 25,7% kế hoạch và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng tiêu thụ trong nước là 10,8 triệu tấn, đạt 26% kế hoạch năm, chủ yếu là các hộ điện.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, TKV đang tiếp tục khắc phục tình trạng thiếu nhân lực vì dịch bệnh, tăng tối đa sản lượng than khai thác tại các mỏ, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các bộ ngành, từng bước tháo gỡ khó khăn xung quanh vấn đề nhập khẩu than, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đã khiến TKV bị thiếu hụt nặng nề về nguồn nhân lực. Tính từ thời điểm thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ cho đến nay, TKV đã có trên 44.000 người lao động bị nhiễm virus SARS-CoV-2 (F0), chiếm 45% tổng số lao động toàn Tập đoàn. Cá biệt có một số đơn vị sản xuất than hầm lò, số lao động là F0 chiếm tới gần 65% tổng số lao động của công ty, nhất là giai đoạn cuối tháng 2, đầu tháng 3/2022, ảnh hưởng đến kế hoạch bố trí sản xuất.
Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung, các hộ trong nước không nhập khẩu được than lại gia tăng quay trở lại sử dụng than trong nước, gây ra tình trạng khan hiếm than mặc dù sản lượng than sản xuất của TKV không giảm so với các năm gần đây. Trong khi, lượng than tồn kho của TKV hiện chỉ còn khoảng 7 triệu tấn, giảm 6,15 triệu tấn so với đầu năm 2021. Trong đó, các loại than sẵn sàng cấp cho các hộ điện còn tồn không nhiều 2,6 triệu tấn, do đó sản lượng có thể huy động ngay rất thấp. Đây là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt than cung ứng cho sản xuất của các nhà máy điện trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, TKV và các đơn vị đã rất nỗ lực để sản xuất than tối đa, cung cấp cho thị trường tiêu thụ.
Ông Đỗ Văn Kiên, Phó Giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn cho biết: “Nhận định được nhu cầu thị trường, ngay từ đầu năm, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đơn vị đã tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, đẩy mạnh khâu sản xuất than nguyên khai vỉa chính và chế biến để cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ đang tăng cao của TKV. Quý I vừa qua, Than Cao Sơn đã sản xuất được trên 1,8 triệu tấn than, đạt trên 27,4% kế hoạch. Đây cũng là đơn vị đạt sản lượng than nguyên khai cao nhất TKV trong quý đầu năm 2022.
Khí thế sản xuất cũng sôi nổi không kém ở những hầm mỏ của Công ty Than Dương Huy - TKV, tất cả đều tập trung cho mục tiêu cao nhất, đó là không để thiếu than cho điện.
Mặc dù chịu ảnh hưởng đứt gãy chuỗi nhân lực sản xuất vì dịch bệnh Covid-19, nhưng Than Dương Huy vẫn đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nhờ đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Từ cuối năm 2021, Công ty đã đưa một tổ hợp máy đào lò EBH45 vào hoạt động, giúp tăng tốc độ đào lò, đảm bảo sản lượng than khai thác. Một số gương lò dốc trên 30 độ sử dụng giàn chống mềm ZRY đầu tư từ năm 2021 cũng đang cho kết quả khả quan.
“Những biện pháp tách than chất lượng xấu, phân loại đá lẫn trong than tiếp tục được duy trì ngay tại các gương than đã giúp mỏ ổn định sản lượng than chất lượng cao, cung cấp cho các hộ khách hàng của TKV. Nhờ vậy, dù gặp khó khăn không kém các mỏ khác trong vùng, nhưng quý I vừa qua, Than Dương Huy vẫn đảm bảo sản lượng than nguyên khai đạt trên 506 nghìn tấn, bằng 25% kế hoạch năm” - ông Đào Trung Huy, Phó Giám đốc Công ty cho biết.
Ngoài việc gia tăng sản xuất than trong nước, TKV cũng cần được Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ vấn đề nhập khẩu than, nhất là cơ chế chính sách bình đẳng giữa than nhập khẩu và than trong nước theo thông lệ và giá quốc tế. Điều này, sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn xung quanh việc đảm bảo nguồn than cung cấp cho thị trường về lâu dài, trước mắt là trong giai đoạn than cho điện đang bị thiếu hụt như hiện nay.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()