Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 22:07 (GMT +7)
Tăng sản lượng, giá trị con tôm nuôi
Thứ 6, 11/03/2022 | 08:56:52 [GMT +7] A A
Năm 2022 Quảng Ninh phấn đấu đạt sản lượng 25.000 tấn tôm nuôi, chiếm 25% tổng sản lượng, 50% giá trị nuôi trồng thủy sản (NTTS) toàn tỉnh. Con tôm phải nằm trong chuỗi liên kết, có bắt tay chặt chẽ giữa chế biến và tiêu thụ, tạo ra và nhân lên chuỗi giá trị.
Cần gỡ những "nút thắt"
Quảng Ninh hiện có gần 7.000ha tôm nuôi (nuôi tôm công nghiệp khoảng 4.000ha), nằm trong nhóm các địa phương khu vực phía Bắc có diện tích nuôi tôm lớn. Các mô hình nuôi tôm công nghiệp là nuôi theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh hoặc siêu thâm canh, có áp dụng công nghệ, năng suất tăng cao hơn hẳn so với mô hình nuôi tôm quảng canh thông thường. Tổng sản lượng tôm nuôi của tỉnh năm 2021 đạt trên 14.000 tấn, giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên xét về tổng thể năng suất, sản lượng tôm nuôi Quảng Ninh đạt được trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tổng sản lượng tôm nuôi đạt cao bởi tổng diện tích nuôi tôm lớn. Năng suất trung bình con tôm Quảng Ninh hiện gần 2 tấn/ha, nằm trong nhóm thấp nhất so với các tỉnh trọng điểm tôm phía Bắc; sản lượng chỉ chiếm 2% sản lượng nuôi cả nước. Hàm lượng khoa học công nghệ trong mỗi mô hình nuôi tôm ở Quảng Ninh chưa thật sự lớn, ngay cả đối với 4.000ha nuôi tôm công nghiệp mà tỉnh đang có.
Nghề nuôi tôm của tỉnh cũng đang gặp không ít khó khăn do biến đổi khí hậu; tác động môi trường từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19; chính sách biên mậu về nhập khẩu tôm nuôi của Trung Quốc có nhiều thay đổi; đầu tư hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi còn ở mức khiêm tốn; tốc độ ứng dựng KHKT mới vào sản xuất còn chậm, chưa khai thác hết phần diện tích có khả năng phát triển; diện tích nuôi quảng canh còn khá lớn... Đây chính là những "nút thắt" cần có giải pháp tháo gỡ trong năm 2022 và những năm tiếp theo, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh để ngành tôm trở thành một ngành sản xuất quan trọng của thủy sản tỉnh.
Giải pháp cho mục tiêu 25.000 tấn tôm năm 2022
Năm 2022, Quảng Ninh lựa chọn, lấy con tôm làm mũi nhọn đột phá trong tăng trưởng ngành nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) Đỗ Đình Minh cho biết: Giải pháp để tăng sản lượng, giá trị cho con tôm nuôi trên địa bàn tỉnh không gì khác là thay đổi và làm chủ công nghệ nuôi, từ khâu giống đầu vào, quy trình sản xuất, đầu ra cho sản phẩm, cho đến việc sản xuất có liên kết, đi sâu vào những mô hình nuôi tôm vụ đông, nuôi tôm trong nhà, nuôi tôm nhiều giai đoạn... Nếu làm được như vậy, sản lượng tôm nuôi năm 2022 đạt 25.000 tấn trở lên là hoàn toàn khả thi.
Để hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp nói chung, nuôi tôm công nghệ cao nói riêng, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND về khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất vốn vay, liên kết sản xuất, tiêu thụ; đặc biệt hỗ trợ đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao, như giải phóng mặt bằng, hạ tầng đến hàng rào công trình. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các chuỗi liên kết tôm phát triển.
Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi năm 2022, bên cạnh chỉ đạo về thời vụ, phòng chống dịch bệnh, tăng cường quản lý sản xuất, lưu hành giống, vật tư đầu vào, hiện ngành Nông nghiệp đang tham mưu tỉnh tổ chức hội nghị phát triển nuôi tôm ở Quảng Ninh trong tháng 3 này. Hội nghị sẽ có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, người nuôi, cung ứng vật tư đầu vào, nhà chế biến tôm xuất khẩu... Qua đây, người sản xuất sẽ được tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển của tỉnh; tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất; đặc biệt ứng dụng công nghệ số trong quản lý, chăm sóc tôm nuôi.
Nông nghiệp Quảng Ninh năm 2022 đứng trước những cơ hội và thách thức. Mục tiêu tăng trưởng 4,5% toàn ngành là khá cao, song hoàn toàn khả thi, dựa trên những nền tảng kết quả năm 2021 cũng như những dư địa phát triển mới đã và đang hình thành. Đặc biệt là giải pháp tăng trưởng trúng, đúng mà ngành Nông nghiệp tỉnh đã đưa ra, trong đó có giải pháp về con tôm nuôi.
Việt Hoa
- Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn
- "Phá vỡ" tính mùa vụ trong nuôi trồng thủy sản
- Đông Triều: Tín hiệu vui khi nông dân đổi mới tư duy sản xuất
- Thu hút đầu tư vào nông nghiệp
- Nâng cao giá trị trên từng diện tích canh tác
- Nông nghiệp hữu cơ - nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững
- Đầm Hà: Sản xuất nông nghiệp đầu năm
- “Chuyển mình” từ nông nghiệp sinh thái
- Tạo nền tảng cho nông nghiệp hàng hóa
Liên kết website
Ý kiến ()