Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 07:57 (GMT +7)
Tăng lương sẽ giảm tình trạng nhân viên y tế cộc cằn, nói khó nghe
Chủ nhật, 05/11/2023 | 09:26:17 [GMT +7] A A
Mức độ công việc trong ngành y tế được đánh giá là nặng nhọc, tuy nhiên lương của nhân viên y tế lại tương đối thấp. Nhiều ý kiến cho rằng điều này kéo theo nhiều vấn đề như chảy máu chất xám, thái độ phục vụ...
Dự kiến từ ngày 1.7.2024, lương của bộ phận cán bộ, công chức viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ có nhiều thay đổi theo Nghị quyết 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương. Những ngày gần đây, nội dung cải cách tiền lương nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo cử tri, nhân dân và đặc biệt là các lãnh đạo bệnh viện, nhân viên y tế.
Trao đổi với phóng viên Lao động về vấn đề này, PGS.TS Vũ Nam - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương - cho hay bản thân cũng có nhiều trăn trở. Lương của nhân viên y tế hiện nay là thấp so với mức độ, cường độ làm việc cũng như thời gian đào tạo. Đợt tăng lương cơ sở mới đây cũng có cải thiện phần nào song thu nhập của nhân viên y tế vẫn còn rất hạn chế.
Hiện ngành y tế tự chủ nên bài toán chi phí thu nhập cho nhân viên y tế càng khó khăn hơn, chưa kể vấn đề thầu mua sắm hóa chất, thuốc men… còn vướng mắc. Thực tế, công tác khám, chữa bệnh tại cơ sở công lập còn khó khăn, do vướng việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Ông Nam cho rằng y tế là ngành đào tạo đặc biệt khi trải qua nhiều giai đoạn, học lâm sàng rồi lý thuyết, lấy chứng chỉ hành nghề. Khi đi làm, cường độ công việc nặng nhọc, trực ngày, trực đêm, trực lễ Tết. Đây là ngành đòi hỏi tuyển dụng và đãi ngộ đặc biệt. Dù có đãi ngộ tùy theo từng chuyên ngành, song đây cũng chỉ là khoản tương đối.
Khi các cơ quan tự chủ, ngoài lương, các khoản thu nhập khác của nhân viên y tế cũng là một bài toán. Trong khi đó, không phải nhân viên y tế nào cũng có thể làm thêm để tăng thu nhập.
Chính vì vậy, trong ngành y tế mới phát sinh nhiều bất cập. Ông thừa nhận: “Khi đời sống nhân viên y tế còn thấp, họ dễ cằn nhằn, dễ nói khó nghe. Khi tiền lương đủ đầy, mọi thứ nhẹ nhàng hơn vì chẳng ai muốn như thế cả”.
Đồng thời, cũng vì tiền lương không tương xứng, nhiều người ngậm ngùi bỏ viện công sang tư. Nhưng với nhiều trường hợp, lựa chọn đó chưa hẳn là tốt. Bởi ở các cơ sở tư nhân, họ sẵn sàng chi trả lương của bác sĩ cao nhưng lại phụ thuộc vào biến động thị trường. Khi không ổn, họ lại không có nơi để bấu víu.
Việc chảy máu chất xám từ công sang tư cũng bất cập khi Nhà nước đào tạo cán bộ y tế, đến lúc có văn bằng, trưởng thành, họ lại rời bỏ sang tư nhân.
“Hiện nay, giá khám chữa bệnh ở bệnh viện công lập và tư nhân khác nhau hoàn toàn. Tư nhân cao vì họ được thu thoải mái, Nhà nước thì phải theo quy định bảo hiểm y tế, thanh toán không được sai phạm, lạm dụng với nhiều quy định, thanh kiểm tra chặt chẽ. Tôi cho rằng cần có cơ chế, giải pháp để đảm bảo cân đối giữa công lập và tư nhân để hệ thống y tế được vận hành công bằng” - ông Nam nói.
Ông nhấn mạnh, những bất cập này dẫn đến tình trạng người dân phải chạy ra tư nhân để chữa bệnh vì cơ sở công lập thiếu những dịch vụ, kỹ thuật do không có thầu khoán. Cuối cùng, người bệnh là người chịu hậu quả và thiệt thòi.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()