Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 13:14 (GMT +7)
Tăng lương cơ sở và cải cách chính sách tiền lương khác nhau như thế nào?
Thứ 3, 18/10/2022 | 09:07:16 [GMT +7] A A
Tăng lương cơ sở là thông tin đang được nhiều người mong đợi. Theo chuyên gia, về căn bản, cải cách chính sách tiền lương mang tính tổng thể hơn, nhưng nếu chưa đủ điều kiện thì cần trước mắt điều chỉnh mức lương cơ sở.
Lương cơ sở được quy định rõ trong Nghị định số 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ (quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang). Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1.7.2019. Ngoài ra, mức lương qua các giai đoạn cũng được xác định bằng con số cụ thể.
Hiện nay, mức lương cơ sở vẫn áp dụng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1.490.000 đồng/tháng.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp:
Xác định các yếu tố cụ thể để thiết kế bảng lương mới
- Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
- Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
- Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
- Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
- Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.
Như vậy, có thể thấy, khi thực hiện đề án cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27 có thể sẽ bãi bỏ lương mức lương cơ sở và hệ số lương mà cán bộ, công chức, viên chức đang áp dụng hiện nay.
Ông Lê Đình Quảng – Phó ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, bản chất của việc thực hiện cải cách tiền lương là trả lương theo vị trí việc làm - mang tính chất toàn diện, căn bản hơn.
“Một trong những nguyên tắc trả lương theo đều án cải cách tiền lương là không còn mức lương cơ sở mà trả trực tiếp bằng tiền, căn cứ vào vị trí việc làm, khối lượng công việc. Để thực hiện cải cách tiền lương, đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn hơn và gắn liền với cải cách bộ máy, tinh giản biên chế” – ông Quảng cho biết.
Theo ông Quảng, về căn bản, cải cách tiền lương mang tính tổng thể hơn, nhưng nếu chưa đủ điều kiện thì cần trước mắt điều chỉnh mức lương cơ sở.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()