Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 14:32 (GMT +7)
Tăng khả năng phòng bệnh cho trẻ từ tiêm chủng
Thứ 4, 19/10/2022 | 14:19:26 [GMT +7] A A
Việt Nam đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh từ năm 2005 và liên tục duy trì thành quả này cho đến nay. Tuy nhiên trong năm 2020, 2021, các ca bệnh uốn ván sơ sinh xuất hiện rải rác tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bệnh bạch hầu cơ bản được khống chế ở Việt Nam, với số ca mắc trung bình 21 trường hợp/năm từ 2004-2012. Nhưng trong giai đoạn 2013-2020 ghi nhận các ổ dịch bạch hầu xảy ra tại một số địa phương ở Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum, Bình Phước, Quảng Nam… Đặc biệt, ghi nhận 237 ca mắc bệnh bạch hầu trong năm 2020. Hầu hết các trường hợp mắc là do chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng (69,3%).
Để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, uốn ván trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, việc tiếp tục duy trì triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) là hết sức cần thiết. Năm 2022, Bộ Y tế triển khai tiêm vắc-xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) tại 32 tỉnh, thành phố trong nước, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Từ ngày 10-18/10, Quảng Ninh đã triển khai chiến dịch tiêm tiêm vắc-xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) năm 2022 cho trẻ em 7 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh.
Đối tượng tiêm là những trẻ đang học lớp 2, lớp 3 năm học 2022-2023, trẻ tại cộng đồng sinh từ ngày 1/1/2014-31/12/2015. Theo đó, toàn tỉnh có trên 53.000 trẻ em trong độ tuổi tiêm vắc-xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) tại hơn 200 điểm trường trong tỉnh. Tại các điểm tiêm được bố trí theo nguyên tắc một chiều; đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, chống sốc, các phương tiện để sẵn sàng xử trí, cấp cứu kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có); tiêm theo hình thức cuốn chiếu từng lớp, lần lượt cho từng trẻ (khám trước khi tiêm, tiêm thuốc, dặn dò, tư vấn sau tiêm…).
Tỉnh triển khai tiêm vắc-xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) đồng loạt tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố, tùy thuộc vào tình hình thực tế các địa phương có thể triển khai tiêm cuốn chiếu theo xã, điểm trường; thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót, hoãn tiêm ngay cuối mỗi đợt hoặc trong chương trình tiêm chủng mở rộng hằng tháng.
Trong năm 2019 và đầu năm 2020 tỉnh đã triển khai chiến tiêm vắc-xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) tại tất cả các huyện, thành phố, thị xã. Kết quả, tỷ lệ năm 2019 đạt 91,86%; năm 2020 đạt 95,65%, không ghi nhận các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu trên 90% trẻ trong độ tuổi được tiêm vắc-xin uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td).
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng bệnh bại liệt, tỉnh tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin IPV mũi 2 cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi đã tiêm mũi 1 vắc-xin IPV vào lúc trẻ 5 tháng tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trường hợp trẻ tiêm mũi 1 muộn thì phải đảm bảo khoảng cách tiêm mũi 2 ít nhất 1 tháng sau tiêm mũi 1.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2021 tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em giảm. Ngành Y tế tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai các chiến dịch uống vắc-xin bại liệt (OPV), tiêm vắc-xin bạch hầu-uốn ván giảm liều (Td); tiêm vét các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc-xin sởi-rubella, bạch hầu-ho gà-uốn ván, viêm não Nhật Bản cho trẻ em.
Hiện có hơn 30 bệnh nhiễm khuẩn có thể dự phòng được bằng tiêm vắc-xin. Bên cạnh giảm tỷ lệ tử vong, tiêm vắc-xin phòng bệnh còn giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển thể chất và trí não tốt, giảm mắc các bệnh khác, giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm tình trạng tàn phế, mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên. Đặc biệt, còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau; giảm thời gian và công sức của phụ nữ do không phải chăm sóc trẻ bị bệnh, bảo vệ sức khỏe con người, góp phần phát triển nguồn nhân lực.
Để vắc-xin thực sự là "lá chắn” bảo vệ sức khỏe trẻ em, bố mẹ, người giám hộ cần bám sát theo lịch tiêm vắc-xin cho trẻ để đảm bảo cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh.
Nguyễn Hoa
- Đẩy mạnh tiêm chủng cho học sinh trước thềm năm học mới
- Khẩn trương tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em và người yếu thế
- 250.000 - là số trẻ em tại Việt Nam bỏ lỡ liều cơ bản trong chương trình tiêm chủng năm 2021
- Nghị quyết về lộ trình tăng số lượng vaccine tiêm chủng mở rộng
- Tiêm chủng: Biện pháp phòng dịch tốt nhất
Liên kết website
Ý kiến ()