Tất cả chuyên mục

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khoá XIII, các đại biểu sẽ thảo luận, xem xét và thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập do tỉnh quản lý từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021. Theo đó, mức học phí sẽ được áp dụng theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ và các quy định hiện hành của Nhà nước.
![]() |
Tăng học phí để có thêm nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục. Trong ảnh: Một buổi học của cô, trò Trường Mầm non Nam Hoà (TX Quảng Yên). |
Mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập do tỉnh quản lý theo đề xuất của UBND tỉnh tại Tờ trình số 3826/TTr-UBND trình kỳ họp lần này có mức điều chỉnh cao hơn so với mức đang thực hiện. Cụ thể, mức thu học phí năm học 2016-2017 đối với bậc học mầm non và phổ thông công lập ở vùng thành thị, nông thôn sẽ tăng thêm 25%, riêng đối với cấp THCS tăng thêm 50% để đảm bảo đạt mức tối thiểu khung học phí theo quy định tại Nghị định 86; vùng miền núi giữ nguyên mức thu học phí hiện đang thực hiện. Từ năm học 2017-2018 trở đi, căn cứ chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm và tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh sẽ báo cáo Thường trực HĐND tỉnh trước khi quyết định điều chỉnh mức thu học phí hàng năm cho phù hợp... Đối với bậc giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập, mức thu học phí từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020–2021 cũng được điều chỉnh tăng cụ thể với từng nhóm ngành nghề đào tạo, nhưng không vượt quá mức trần học phí quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP…
Theo phân tích của UBND tỉnh, thì mức thu phí mới là phù hợp thực tế. Bởi, nguyên tắc để xác định mức thu học phí là phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm. Và theo số liệu thống kê, chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 tăng thêm so với năm 2011 là 34%. Do vậy việc điều chỉnh mức thu học phí là phù hợp với xu thế phát triển. Hơn thế, đây cũng là để thực hiện đúng các quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Và quan trọng nữa là từ nguồn thu này, các cơ sở giáo dục công lập có thêm nguồn lực để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời giảm bớt áp lực chi ngân sách của tỉnh.
Căn cứ vào Tờ trình số 3826 của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập do tỉnh quản lý. Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh cũng đã tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết này. Trong đó, cũng khẳng định việc sửa đổi quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập là cần thiết và phù hợp với quy định của Chính phủ.
Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhiều bậc phụ huynh có con em đang trong độ tuổi học phổ thông trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy hầu hết các phụ huynh đều đồng thuận với mức học phí mới. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng khi nghe thông tin sẽ có điều chỉnh tăng học phí. Anh Nguyễn Nam Chung, khu 6, phường Hồng Hải, cho biết: “Tôi có 2 con đang trong độ tuổi đi học, đứa lớn học lớp 7 và đứa bé học lớp mầm non 5 tuổi. Tôi không lo lắng nhiều về việc tăng học phí mà điều làm tôi lo lắng nhất là bước vào đầu năm học, ngoài học phí, gia đình tôi phải lo rất nhiều khoản đóng góp khác như tiền sách vở, bảo hiểm, tiền quỹ hội cha mẹ học sinh của trường, lớp, đồng phục, ủng hộ cơ sở vật chất, các khoản dịch vụ điện, nước, trông xe, trông trưa, ăn bán trú, học thêm... Nếu cộng tất cả các khoản lại thì gia đình tôi phải chi một khoản không nhỏ cho việc học của con. Tôi chỉ mong đi kèm việc tăng học phí, tỉnh cần xây dựng cơ chế, kiểm soát, công khai minh bạch việc sử dụng nguồn thu, chi. Nhất là kiểm soát các khoản quyên góp quỹ dưới danh nghĩa hội phụ huynh học sinh.
Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thị Huyền (khu 5, phường Quang Trung, TP Uông Bí) cho biết: “Tiền học phí là một khoản đóng góp cùng chung tay với Nhà nước để cho con em chúng ta được học tập trong môi trường giáo dục tốt nhất. Việc tăng học phí theo quy định mới của tỉnh là cần thiết, tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, điều tôi mong muốn nhất là việc tăng học phí phải đi kèm với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Qua đó, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao của tỉnh trong thời gian tới.
Nguyễn Chiến
Ý kiến ()