Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:53 (GMT +7)
Bình Phước: Tăng giá trị nông sản từ chế biến sâu
Thứ 3, 28/02/2023 | 12:21:53 [GMT +7] A A
Mít Thái có thể xem là nông sản mang lại nhiều lợi thế so với các loại cây ăn trái khác. Tuy nhiên, việc sản xuất tự phát, không theo quy hoạch của nông dân trong những năm qua đã liên tục dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu, sản phẩm đến kỳ thu hoạch đồng loạt nhưng không bán được. Để tránh rủi ro cho nông dân, một số cơ sở, hợp tác xã (HTX) đã thực hiện chế biến sâu các sản phẩm từ mít Thái.
Cây mít Thái ở Bình Phước
Cùng với sầu riêng, bưởi da xanh và bơ thì mít Thái đang được nông dân Bình Phước trồng phổ biến. Hộ ít thì vài chục cây, nhiều thì vài ba héc ta, còn HTX trồng cả vài chục héc ta. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích mít Thái toàn tỉnh khoảng 700 ha. Thị trường tiêu thụ lớn nhất loại nông sản này là Trung Quốc, song đây là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, chỉ cần sản phẩm lỗi sẽ bị ép giảm giá, thậm chí không mua. Hoặc khi số lượng cung vượt cầu, người nông dân sẽ gặp bất lợi. Có năm mít không có nơi tiêu thụ, nông dân buộc phải bán trôi nổi cho thương lái và người dân với giá quá thấp.
Đặc biệt, mấy năm trở lại đây, thị trường Trung Quốc đang siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch chuyển sang nhập khẩu chính ngạch với yêu cầu cao về chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Theo ghi nhận gần đây của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Trung Quốc đang phát triển diện tích mít lên 180.000 ha. Để phát triển bền vững thì trước tiên cần sự thay đổi về tư duy kinh doanh của chính các hộ nông dân. Do vậy, nông dân cần tỉnh táo chọn cách làm căn cơ, bền vững hơn thay vì phát triển manh mún, tự phát. Muốn vậy, nông dân phải kết nối với nhau và liên kết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để đảm bảo đầu ra và sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Hướng sản xuất phù hợp tín hiệu thị trường
HTX Nông nghiệp sạch Hòa Phú ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng đang trồng 30 ha mít Thái canh tác theo hướng hữu cơ. Để tránh rủi ro, đảm bảo nguồn thu ổn định cho các thành viên, không lệ thuộc quá nhiều vào thị trường, năm 2021, HTX đã xây dựng đề án, đầu tư công nghệ làm mít sấy chân không, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con, đồng thời mở rộng thu mua mít của người dân vùng lân cận. Gia đình ông Nguyễn Tiến Sơn ở thôn Tân Long, xã Bù Nho, thành viên HTX, chuyên trồng cây ăn trái, đặc biệt là mít. Sau khi HTX xây dựng được nhà máy, ông cảm thấy an tâm vì mít chín không phụ thuộc vào giá cả thị trường nữa.
Ông Vũ Mạnh Tùng, Giám đốc HTX cho biết: HTX đang sử dụng công nghệ chiên chân không - phương pháp chiên hiện đại, giúp giữ lại hương vị, màu sắc tự nhiên của nguyên liệu và kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm. Công nghệ này có ưu điểm là giá thành phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời gian chiên nhanh, công suất dao động từ 10-100kg/mẻ chiên.
Máy chiên chân không được thiết kế tối ưu theo công nghệ sản phẩm thuộc dòng rau, củ, quả, trái cây sấy giòn. Do đó, có thể sản xuất rất nhiều sản phẩm khác như chuối sấy, khoai lang sấy, hạt sen sấy, củ sen sấy… Tuy nhiên, máy cũng có nhược điểm là phải sử dụng dầu ăn để chiên. HTX có định hướng trong tương lai gần sẽ chuyển sang sấy thăng hoa, công nghệ sấy này cần vốn đầu tư giá trị khá lớn. “Nhà máy mới hoạt động hơn 1 năm, sản phẩm được thị trường đón nhận, nhiều người ăn ngon mua làm quà biếu. Đây là tín hiệu mừng để chúng tôi quyết tâm mở rộng sản xuất, hướng tới xuất khẩu trong năm tới” - ông Vũ Mạnh Tùng cho biết.
Tại thôn Đắk Lim, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, Cơ sở sản xuất tiêu sạch Cô Hai cũng đầu tư 370 triệu đồng mua công nghệ sấy nhiệt về làm mít và hoa quả sấy. Trung bình mỗi tháng, cơ sở thu mua khoảng 10 tấn mít tươi của nông dân trong xã. “Ở Đắk Ơ, mít Thái được nông dân trồng rất nhiều, thương lái chỉ mua trái đẹp, còn trái nhỏ họ không lấy nên gây lãng phí. Từ đó, tôi nghĩ phải mở ra một nhà máy nhỏ sấy mít, trái cây để tiêu thụ nông sản cho bà con” - chị Võ Thị Hiền, chủ cơ sở cho biết.
Theo chị Hiền, để sấy được 1kg mít khô cần từ 12-15kg mít tươi. Mít mua về để chín, tách múi, rồi cấp đông, sau đó đem sấy. Thời gian sấy từ 60-70 phút/mẻ. Trung bình 1 tháng, cơ sở sấy được 1,5 tấn mít khô và các loại rau, củ, quả, xuất bán sang các thị trường từ Nam ra Bắc. Riêng mít Thái sấy khô, giá dao động từ 220-250 ngàn đồng/kg tùy loại.
Mít sấy của cơ sở chị Hiền được thị trường rất chuộng vì sấy hoàn toàn từ mít Thái nên ngon, ngọt tự nhiên và thơm hơn mít lá bàng. Khi ăn mít sấy giòn, xốp, không tạo cảm giác ngán mà giúp người ăn thưởng thức một cách trọn vẹn hương vị tự nhiên của mít. Mít sấy được đóng gói tiện dụng, thuận lợi mang theo mỗi khi đi xa hay dành làm quà tặng. Sản phẩm mít sấy Cô Hai đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao vào tháng 1-2021; giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022. Trong năm 2023, chị Hiền sẽ tiến hành làm sản phẩm mít sấy OCOP 4 sao và nâng công suất sản xuất lên gấp đôi.
Hiện trên thị trường công nghệ chế biến mít sấy rất đa dạng như sấy lạnh, sấy nhiệt, sấy chân không... Tùy tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp cũng như thế mạnh của người dân để đầu tư máy móc cho phù hợp. Công nghệ sấy mít vừa mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp vừa giúp nông dân tiêu thụ nông sản, qua đó hình thành chuỗi giá trị từ vườn cây đến bàn ăn.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()