Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:18 (GMT +7)
Cô Tô: Tăng giá trị cho nông sản
Thứ 2, 22/04/2024 | 15:30:21 [GMT +7] A A
Các cấp HND tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên, nông dân và các HTX, chủ cơ sở sản xuất trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường, tăng thu nhập.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm
Trước đây, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tiến (huyện Tiên Yên) có khoảng 20 hộ hội viên nuôi vịt đẻ trứng với thương hiệu Trứng vịt biển Đồng Rui. Tuy nhiên do năng lực quản lý của HTX còn hạn chế, dẫn đến việc một số cơ sở kinh doanh làm giả thương hiệu, gây mất uy tín với khách hàng, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ.
Đến năm 2019 được sự hướng dẫn, hỗ trợ của HND huyện, HTX đã kiện toàn lại bộ máy, xây dựng thương hiệu và quản lý chặt chẽ hơn; đồng thời tích cực tham gia các chương trình OCOP của tỉnh, của huyện, từ đó lấy lại niềm tin với khách hàng, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Anh Vũ Tuấn Anh, Giám đốc HTX, cho biết: Nhờ kiện toàn lại bộ máy, siết chặt khâu quản lý, kiểm soát chất lượng, mẫu mã, bao bì, thương hiệu Trứng vịt biển Đồng Rui ngày càng mở rộng thị trường. Hiện sản phẩm OCOP 4 sao Trứng vịt biển Đồng Rui có đầu ra ổn định tại các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch trong tỉnh và các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng… và bếp ăn của các công ty than trên địa bàn tỉnh.
Vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) cũng là một trong những sản phẩm OCOP được gia tăng giá trị nhờ sự tham gia của tổ chức HND. Đứng trước thực tế một số hộ trồng vải trên địa bàn sử dụng nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ xuất xứ, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây vải và chất lượng quả vải, cuối năm 2023 HND phường Phương Nam thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Phương Nam. Sự ra đời của HTX nhằm mục đích cung ứng dịch vụ nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng vật nuôi, con giống đảm bảo chất lượng cho các hộ trồng; đồng thời góp phần tiêu thụ quả vải.
Anh Bùi Văn Trà, Chủ tịch HND phường Phương Nam, cho biết: Bên cạnh hỗ trợ hội viên nông dân và nhân dân tiếp cận những sản phẩm vật tư nông nghiệp uy tín chất lượng, tiêu thụ nông sản, HND phường luôn đồng hành cùng các thành viên HTX trong trồng, chăm sóc, phát triển thương hiệu Vải chín sớm phương Nam.
Các cấp HND tỉnh đang phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng thương hiệu OCOP cho các nông sản đặc trưng. Tiêu biểu, HND xã Hòa Bình (TP Hạ Long) tham mưu cho chính quyền xã vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng bí. Từ những mô hình thí điểm ban đầu, đến nay toàn xã có khoảng gần 4ha trồng bí xanh, sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm.
Anh Vũ Văn Khương, Chủ tịch HND xã Hòa Bình, cho biết: HND xã đồng hành cùng nông dân trồng bí trong chăm sóc, xây dựng liên kết, tiêu thụ sản phẩm; tích cực vận động các hộ dân trồng bí xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng bí xanh trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Để nông dân làm giàu bền vững
Xác định chương trình OCOP phát huy lợi thế những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân, hằng năm HND các cấp tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia chương trình. Đến nay các cấp HND đã trực tiếp hỗ trợ, giúp hội viên xây dựng 23 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm OCOP do HND làm chủ sở hữu.
Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Để tăng hiệu quả, thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất nông sản OCOP của nông dân, các cấp HND đã đề nghị UBND cùng cấp bổ sung ngân sách, vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đồng thời chủ động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ hội viên trong xây dựng logo, nhãn mác, bao bì sản phẩm OCOP, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất; tập huấn vệ sinh ATTP cho các tổ chức, cá nhân…
Nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ nông sản cho nông dân, các cấp HND tích cực lựa chọn những nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương. Trong 10 năm qua, HND tỉnh, HND cấp huyện đã tổ chức cho gần 400 lượt nông dân đưa 279 lượt sản phẩm OCOP đi tiêu thụ tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa 53 nhà cung cấp với 108 sản phẩm OCOP tiêu thụ qua sàn TMĐT; cung cấp thông tin của 9.598 hộ sản xuất để cập nhập lên sàn giao dịch.
Thời gian tới, HND tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương triển khai sâu rộng các mô hình kinh doanh, xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất theo chương trình OCOP. Đồng thời hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP theo nhu cầu thị trường; thực hiện hiệu quả công tác vận động, tổ chức, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm gia tăng giá trị nông sản hàng hóa.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()