Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:01 (GMT +7)
Tăng giá điện: Cần hài hòa các lợi ích
Thứ 4, 08/02/2023 | 15:00:00 [GMT +7] A A
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện là không tránh khỏi, song cần cân đối mức tăng bao nhiêu cho phù hợp với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây đã ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân; trong đó khung giá tăng so với trước đây. Như vậy dự kiến, thời gian tới giá điện bán lẻ sẽ có thay đổi. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện là không tránh khỏi, song cần cân đối mức tăng bao nhiêu cho phù hợp với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
Chờ mức tăng giá
Khung giá bán lẻ điện bình quân vừa được Chính phủ đưa ra (từ 1.826,22 đồng/kWh - 2.444,09 đồng/kWh) chính là mức giá sàn và giá trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá bán đã tăng 220 - 538 đồng/kWh. Cùng với khung giá này, các kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương đưa ra quyết định giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2023 này.
Cũng mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 và xây dựng lộ trình, mức độ điều chỉnh phù hợp.
Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), nếu thông số đầu vào làm thay đổi giá bán lẻ điện từ 3% trở lên và trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng và ngược lại.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), với khung giá điện do Chính phủ đưa ra, giá bán lẻ điện bình quân khi tăng sẽ nằm trong mức giá 1.826,22 - 2.444,09 đồng/kWh. Giá điện sẽ chưa tăng ngay trong thời gian sớm nhưng đây là cơ sở để nhận định sẽ tăng trong thời gian tới đây, có thể là từ đầu quý II/2023, sau khi được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Việc xây dựng phương án giá bán lẻ điện được thực hiện trên cơ sở EVN phải hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, báo cáo tài chính công ty mẹ và các đơn vị thành viên. Đồng thời, EVN phải làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín để kiểm toán các báo cáo theo đúng quy định.
Tuy nhiên, áp lực tăng giá đã được EVN nêu ra từ năm 2022, hiện giá bán lẻ điện bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh.
Báo cáo mới nhất của EVN cho hay, ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng.
Nguyên nhân được tập đoàn này cho biết là do giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao như giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới; chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN, mặc cho những nỗ lực tiết giảm chi phí của tập đoàn.
Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì EVN lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng; trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng. Điều này sẽ gây mất cân đối trong hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn này.
Cân đối để hài hòa
Theo chia sẻ từ các chuyên gia, 4 năm qua, giá điện được Chính phủ, bộ, ngành và EVN nỗ lực giữ nguyên nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp do dịch COVID-19 và khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên trong bối cảnh giá than, dầu tăng cao, EVN lỗ lớn thời gian qua nên thời điểm hiện nay, sẽ khó tránh khỏi việc tăng giá để đảm bảo hoạt động của tập đoàn này.
Ông Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam cho rằng, mức tăng bao nhiêu cho phù hợp sẽ cần tính toán để vừa đảm bảo sức chịu đựng của nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp mà vẫn tránh thua lỗ cho ngành điện.
"Tính toán chi phí sản xuất ra 1 kWh điện là bao nhiêu, tăng giảm thế nào so với thời điểm trước đây. Cùng đó, các con số thua lỗ do yếu tố khách quan của ngành điện cần được kiểm toán để đảm bảo khách quan, minh bạch, đúng quyền lợi cho người tiêu dùng…", ông Long bày tỏ.
Giá điện có ảnh hưởng và tác động lớn tới đời sống người dân và nhiều ngành sản xuất, vì vậy sẽ rất khó có thể đưa ra một con số dự báo mức tăng tại thời điểm này, trước khi có các báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh và phương án giá bán lẻ điện năm 2023 của EVN.
Anh Nguyễn Phi Hùng, chủ hàng ăn tại Bạch Mai chia sẻ: Mỗi tháng gia đình chi phí khoảng 15 triệu đồng cho tiền điện nên mức tăng giá sẽ ảnh hưởng, dù không nhiều. "Chúng tôi là người dân, nên cần nhất là sự minh bạch, rõ ràng khi các cơ quan công bố giá điện, chi phí sản xuất. Người dân biết, dân tin thì sẽ hoàn toàn ủng hộ thôi", ông Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD, doanh nghiệp sản xuất không ai muốn tăng giá điện, bởi sẽ thêm áp lực và giảm sức cạnh tranh. Nhưng qua nhiều thông tin, doanh nghiệp biết rằng sẽ rất khó để "cầm chân" giá điện khi giá nhiều nguồn nguyên liệu sản xuất đều tăng cao. Quan trọng là các cơ quan chức năng, ngành điện tính toán mức tăng hợp lý, minh bạch thông tin để người dân được biết, hiểu và chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, chi phí điện chiếm tỷ lệ nhất định trong một số lĩnh vực dệt may. Do vậy, khi giá điện tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mức ảnh hưởng là không đáng kể, bởi các doanh nghiệp trong ngành đang thực hiện nhiều giải pháp để tiết giảm lượng điện tiêu thụ như dùng đèn led, tận dụng ánh sáng mặt trời… Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn đã hợp tác, lắp đặt điện mặt trời mái nhà để giảm chi phí tiền điện và tiến tới xanh hóa sản xuất.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()