Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:22 (GMT +7)
Tăng động và hiếu động: Hiểu đúng để dạy con
Thứ 5, 20/04/2023 | 09:18:48 [GMT +7] A A
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý, giáo dục là yếu tố không thể thiếu đối với trẻ rối loạn tăng động
Bác sĩ Trần Quang Huy, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết qua thống kê sơ bộ tại bệnh viện, cứ 100 trẻ đến khám tâm lý thì có 80 trẻ mắc chứng rối loạn tăng động. Con số này ngày càng tăng do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến trẻ ở nhà thời gian dài, ít tương tác xã hội.
Đi học mới phát hiện con hiếu động
Ngồi chờ đến lượt tái khám cho con tại Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2, anh Đ.N (37 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) liên tục phải chạy theo nhắc nhở và giữ đứa con 7 tuổi ngồi yên trên ghế. Anh N. cho biết cô giáo phản ánh con thường không ngồi yên một chỗ nghe giảng bài. Thậm chí, bé hay quên và thường làm mất dụng cụ học tập. "Hồi mới vào lớp 1, tôi nghĩ con còn nhỏ, nghịch ngợm, hiếu động nên không để ý. Tuy nhiên, tình trạng trên ngày càng nhiều, lên lớp con không tập trung, thậm chí còn đánh bạn. Đi khám thì mới biết con mắc chứng rối loạn tăng động. Bé được điều trị bằng thuốc và tâm lý, hiện tình trạng có cải thiện dần" - anh N. kể.
Trong khi đó, anh T.Đ.T (35 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) ngồi nghe bác sĩ tư vấn về tình trạng của con thì bé D. (6 tuổi, con anh) chạy khắp phòng.
Anh T. cho biết ở nhà bé thường chạy nhảy liên tục, nghĩ con còn nhỏ, hiếu động nên anh không lưu tâm. Tuy nhiên, tình trạng của bé ngày càng nặng: kém chú ý, không nghe lời ba mẹ, thậm chí đánh người khác khi không vừa ý. Sau thăm khám, các bác sĩ nhận định bé tăng động, giảm chú ý, buộc phải dùng thuốc kèm tâm lý trị liệu.
Theo bác sĩ Trần Quang Huy, hiện vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân khiến trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý. Nhưng theo một số nghiên cứu, hội chứng này có liên quan yếu tố di truyền. Trẻ trên 4 tuổi, việc chẩn đoán hội chứng tăng động sẽ chính xác hơn. Bởi ở tuổi này, trẻ đã bộc lộ các hành vi tăng động khó kiểm soát ở nhiều môi trường khác nhau như: khó tuân thủ các nguyên tắc nói, nói nhiều, khó chờ đợi hay can thiệp vào việc người khác, giành giật đồ chơi. Khi trẻ đi học thì tự ý rời khỏi chỗ ngồi khi thầy cô đang giảng bài, hay quên, thường xuyên mất dụng cụ học tập… Ngoài ra, nhiều trẻ còn có hành vi nóng tính, hành động mạnh khi không vừa ý. Kèm theo các triệu chứng đó là rối loạn ngôn ngữ và rối loạn giấc ngủ.
Để đánh giá trẻ có tăng động hay không, theo bác sĩ Huy, phải dựa vào 3 môi trường khác nhau gồm: môi trường ở trường học, thời điểm tại phòng khám và ở nhà. Trẻ được xem là rối loạn tăng động khi ở cả 3 môi trường này đều không có sự tập trung, leo trèo liên tục…
"Tuy nhiên, hiện nhiều trẻ tăng động được thầy cô phát hiện chứ không phải ở nhà vì sự nhầm lẫn giữa hiếu động và tăng động. Phát hiện trễ khiến việc điều trị cho trẻ sẽ khó hơn bởi độ tập trung, chú ý ngày càng kém, hành vi rối loạn ngày càng nhiều" - bác sĩ Huy lưu ý.
Để điều trị hội chứng rối loạn tăng động, bên cạnh các liệu pháp tâm lý hành vi còn cần kết hợp thuốc, tâm lý trị liệu. Sau khi điều trị từ 6-9 tháng, trẻ sẽ tạm ổn. Thường sau 18 tuổi, có đến 80% số trẻ bị tăng động sẽ khỏi bệnh.
Liệu pháp tâm lý rất quan trọng
Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết trẻ thường xuyên chạy nhảy, leo trèo mọi lúc mọi nơi có thể làm cha mẹ mệt mỏi với những than phiền từ nhà trường, hàng xóm và cảm thấy bất lực trong quá trình giáo dục con. Tuy nhiên, các biểu hiện trên phải kéo dài 6-12 tháng và diễn ra ở tất cả các tình huống, môi trường trong gia đình, trường học, nhà họ hàng, khu vui chơi… thì mới có thể kết luận trẻ bị tăng động.
"Nếu trẻ chỉ biểu hiện các vấn đề trên tại một nơi thì không thể kết luận trẻ mắc rối loạn tăng động mà phải xem xét các yếu tố khác liên quan môi trường đó, phương pháp giáo dục… Nhiều trẻ ở nhà rất tăng động, quậy phá nhưng khi đến trường lại tỏ ra ngoan ngoãn, vâng lời thầy cô thì cần xem xét lại cách tương tác trong gia đình và cách giáo dục của cha mẹ. Ngoài ra, đối với trẻ em, việc tỏ ra kích thích, hiếu động hoặc chống đối có thể là biểu hiện của trầm cảm" - chuyên gia Toàn Thiện lưu ý.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý, giáo dục là yếu tố không thể thiếu đối với trẻ rối loạn tăng động. "Việc cha mẹ dễ nổi nóng và dùng bạo lực khi giáo dục con với mong muốn trẻ giảm bớt các biểu hiện quậy phá, lăng xăng có thể làm trẻ sợ hãi và giảm tức thời các hành vi tiêu cực nhưng không có ý nghĩa lâu dài. Việc dùng bạo lực còn có thể làm trẻ bị thương tích, ám ảnh. Đặc biệt, trẻ sẽ học được từ người lớn cách giải quyết vấn đề bằng hình thức bạo lực và có thể thực hành bạo lực với bạn bè" - chuyên gia Toàn Thiện phân tích.
Một số biện pháp trị liệu tâm lý như can thiệp hành vi bằng thưởng - phạt, trị liệu nhận thức - hành vi, huấn luyện kỹ năng xã hội… được đánh giá là có hiệu quả với các trẻ mắc rối loạn tăng động.
Theo Người Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()