Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:05 (GMT +7)
Tăng cường xử lý vi phạm về thương mại điện tử
Thứ 6, 23/02/2024 | 10:43:53 [GMT +7] A A
Trước thực trạng ngày càng có nhiều vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Cục QLTT tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý.
Đầu tháng 1/2024, Đội QLTT số 4 chủ trì, phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (Công an TP Móng Cái) tiến hành thẩm tra, xác minh một tài khoản bán hàng trên mạng xã hội Facebook do Nguyễn Văn Anh (địa chỉ số 269, Trần Hưng Đạo, Hải Yên, TP Móng Cái) là chủ sở hữu. Kiểm tra địa điểm kinh doanh của Nguyễn Văn Anh, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm sản phẩm trà đóng gói các loại và phụ kiện không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng trị giá hơn 150 triệu đồng. Đội QLTT số 4 đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ tang vật, hoàn thiện hồ sơ trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 100 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.
Theo đánh giá của Cục QLTT tỉnh, thời gian gần đây hoạt động TMĐT trên địa bàn có bước phát triển nhanh. Bên cạnh những lợi ích do TMĐT đem lại, đã xuất hiện những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng đặc thù của hình thức mua - bán online để kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đặc biệt có một số đối tượng bán hàng thông qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook, youtube, tiktok…) đã cắt ghép, chèn các thông tin, hình ảnh, bài viết, nội dung phát biểu của những người nổi tiếng, như ca sĩ, nghệ sĩ, để đánh bóng thương hiệu, sản phẩm hàng hóa, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Khi có khách đặt hàng, các đối tượng sẽ yêu cầu họ để lại địa chỉ, số điện thoại, sau đó liên hệ tư vấn, chốt đơn hàng rồi sử dụng các dịch vụ vận tải, bưu chính để chuyển hàng, nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý.
Kiểm soát hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Bởi hầu hết các đối tượng bán hàng không có cửa hàng cụ thể, mà đặt hàng, lấy hàng ở nhiều nơi khác nhau, sau đó sử dụng các đơn vị vận chuyển, chuyển phát, thu tiền hộ. Trên bao bì đơn hàng không thể hiện địa chỉ của người bán... Điều này khiến cho lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian để theo dõi, xác định chứng cứ, đấu tranh xử lý.
Cục QLTT tỉnh đã xây dựng, ban hành kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi chung là GLTM) trong hoạt động TMĐT, trong đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân.
Cục chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đội QLTT bám sát tình hình địa phương, đơn vị, triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường đấu tranh với các hành vi GLTM trong tình hình mới; tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, UBND tỉnh về công tác phòng, chống GLTM đến từng tập thể, cá nhân; đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động TMĐT để người dân nắm, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh, trong lĩnh vực TMĐT.
Để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống GLTM, Cục QLTT tỉnh chủ động triển khai và phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, trong đó có hoạt động TMĐT.
Với các giải pháp quyết liệt, phù hợp từ đầu năm 2024 đến nay Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 203 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, bán phát mại và tiêu hủy hàng hóa gần 8,8 tỷ đồng. Trong số có nhiều vụ được phát hiện, xử lý qua công tác thẩm tra, xác minh các tài khoản bán hàng TMĐT.
Cục QLTT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác rà soát, kiểm tra các website bán hàng, website cung cấp dịch vụ TMĐT có trụ sở trên địa bàn tỉnh trong việc tuân thủ pháp luật về hoạt động TMĐT; rà soát các các trang bán hàng trên facebook, zalo, tiktok, telegram… Cục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ để theo dõi các đơn vị vận chuyển, tài khoản xã hội có số lượng người theo dõi lớn, các doanh nghiệp có hoạt động TMĐT. Qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sản xuất, người tiêu dùng.
Nguyễn Chiến
Liên kết website
Ý kiến ()