Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:33 (GMT +7)
"Tăng cường vận động các hộ dân đấu nối, sử dụng các công trình nước sạch"
Thứ 2, 29/05/2023 | 15:24:54 [GMT +7] A A
Chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh là "Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân". Trong đó nhóm chỉ tiêu về môi trường: 98% người dân được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; trên 99% người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn hợp vệ sinh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT (ảnh) để làm rõ hơn về nội dung này...
- Ông cho biết hiện trạng hệ thống cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào? + Trên địa bàn tỉnh hiện có 209 công trình, hệ thống công trình tham gia cấp nước khu vực nông thôn; trong đó có 196 công trình khai thác nguồn nước mặt, 13 công trình khai thác nước ngầm. Các công trình có công suất từ 100 - > 500m3/ngày đêm. 18 công trình do doanh nghiệp quản lý; 10 công trình do đơn vị sự nghiệp công lập quản lý; 181 công trình do UBND cấp xã quản lý. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,89% (hộ nghèo đạt 98,04%); sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02: 2009/BYT đạt 57,3% (hộ nghèo đạt 15,34%). Tỷ lệ hộ gia đình các xã thuộc vùng đồng bằng sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,97%, sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02: 2009/BYT đạt 87,90%; tỷ lệ hộ gia đình các xã thuộc vùng hải đảo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN-02: 2009/BYT đạt 76,36%. |
- Ông cho biết, trong quá trình quản lý khai thác các công trình cấp nước có những tồn tại khó khăn gì?
+ Khó khăn nhất hiện nay là phần lớn người dân khu vực nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích của việc dùng nước sạch, mà vẫn giữ thói quen dùng các nguồn nước hiện có (khe tự nhiên, giếng khoan, nước mưa...). Mặt khác, hầu hết người dân còn tâm lý trông chờ vào sự đầu tư, bảo trợ của Nhà nước cho nên không muốn chi trả tiền nước hằng tháng; đóng góp, duy tu, bảo dưỡng các công trình do Nhà nước hỗ trợ đầu tư.
Đối với các công trình thuộc Chương trình PforR (chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng), công suất khai thác của các nhà máy thấp, phần lớn người dân chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc sử dụng nước sạch, nên nhiều hộ sử dụng kết hợp nguồn nước khác, dẫn đến mức sử dụng của các hộ dân hằng tháng thấp; công suất khai thác có sự chênh lệch lớn giữa các mùa, công suất khai thác thấp làm cho tỷ lệ thất thoát nước cao hơn so với mức quy định. Cụ thể, 5 công trình do Công ty TNHH MTV Thủy lợi miền Đông quản lý, công suất khai thác trung bình đạt 20,22%, tổng số đấu nối đạt 45,04%; 5 công trình cấp nước do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý (khu vực miền Tây), công suất khai thác trung bình đạt 50%, tổng số đấu nối đạt 63,33%.
Giá bán nước hiện áp dụng thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất, mức thu tiền nước không đủ chi cho các hoạt động sản xuất cơ bản (nhân công, hóa chất, điện).
Đối với các công trình cấp nước có quy mô nhỏ: Chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm, chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện và chỉ đạo quản lý khai thác, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; khu vực đầu nguồn, một số công trình là rừng sản xuất, thảm thực vật kém, dẫn đến nguồn sinh thủy của các công trình không ổn định, nhiều công trình đã được đầu tư sử dụng lâu năm, xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp, nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân...
- Cụ thể hoá chủ đề công tác năm 2023 đối với chỉ tiêu nước sạch nông thôn, ông cho biết giải pháp cụ thể của ngành như thế nào?
+ Ngành sẽ phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Tỉnh ủy "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030".
Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương tăng cường vận động các hộ dân đấu nối, sử dụng các công trình nước sạch hiện chưa đấu nối đủ công suất; đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung hiện có. Đồng thời xây dựng phương án quản lý khai thác dựa vào cộng đồng đối với các công trình có công suất nhỏ để nâng cao hiệu quả các công trình; chỉ đạo tập trung trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa, bảo vệ nguồn sinh thủy tại các khu vực đầu nguồn các công trình nước sạch; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư nâng cấp hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch tập trung...
Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Xây dựng, các sở, ngành, địa phương lập và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt Nghị định số 43/2022/NĐ-CP của Chính phủ "Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch".
- Xin cảm ơn ông!
Thu Trang (thực hiện)
- Vân Đồn nâng tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch
- TP Hạ Long: Ưu tiên đầu tư hạ tầng nước sạch vùng nông thôn
- Thực hiện mục tiêu trên 70% hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia
- Sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án cung cấp nước sạch trên đảo Quan Lạn, Minh Châu
- Phương án cấp nước sạch cho người dân Tràng Lương
Liên kết website
Ý kiến ()