Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:38 (GMT +7)
Ứng dụng KHCN trong chăn nuôi
Thứ 3, 17/05/2022 | 09:27:39 [GMT +7] A A
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành chăn nuôi tỉnh đặt mục tiêu phát triển theo quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế. Theo đó, để gỡ những nút thắt trong chăn nuôi, nhiều giải pháp kiểm soát dịch bệnh, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ... đã và đang được các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến hết năm 2021, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi toàn tỉnh tăng 7,6% so với năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt mức 56%. Về tổng đàn: Đàn trâu đạt 29.010 con (bằng 88% so với năm 2020); đàn bò 35.660 con (đạt 113% so với năm 2020); đàn lợn là 276.200 con (đạt 102,5% so với năm 2020); đàn gia cầm trên 4,2 triệu con (đạt 109% so với năm 2020). Những con số này cho thấy, mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2021 đã có sự chuyển biến rõ nét, nhất là về tổ chức sản xuất, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT, đồng bộ trong sản xuất.
Thời gian qua, các địa phương đã tích cực chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Nhờ đó, số lượng trang trại chăn nuôi ngày càng tăng. Nếu như năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 214 trang trại chăn nuôi thì đến nay lên đến 240 trang trại. Nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp giấy chứng nhận. Đặc biệt, xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Nổi bật là các chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ...
Toàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp chăn nuôi lớn: Công ty TNHH Phú Lâm, quy mô từ 10.000-12.000 con bò; Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, quy mô 38.000-45.000 con lợn, sản lượng 700 tấn/tháng; Công ty CP Nông nghiệp Tuấn Long, Công ty TNHH MTV Phát triển nông - lâm - ngư Quảng Ninh, quy mô 1.050 con lợn nái Móng Cái; Công ty CP Phát triển chăn nuôi và nông - lâm - ngư nghiệp Phúc Long, quy mô 5.000 con gà Tiên Yên bố mẹ; Công ty Minh Châu, quy mô 949 con lợn nái ngoại; Trại gà Tân An, quy mô 10.000 con gà đẻ trứng. Đặc biệt, các doanh nghiệp này đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao và bền vững.
Đơn cử như tại Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả) ứng dụng công nghệ trong sản xuất chăn nuôi lợn, như: Hệ thống chuồng kín; đèn sưởi; máng ăn tự động; máy tiêm, máy bấm răng nanh; gắn chíp điện tử thẻ tai; hệ thống mái áp chống nóng bằng tôn lạnh; hệ thống quạt làm mát, phun tắm tự động..., góp phần nâng cao chất lượng con giống, sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đây là đơn vị nuôi giữ giống lợn gốc của Trung ương (150 con), hằng năm cung cấp khoảng 4.260 con nái bố, mẹ phục vụ thay thế, bổ sung đàn nái; đáp ứng cung ứng 60% nhu cầu con giống thương phẩm phục vụ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm thịt lợn của Công ty được công nhận sản phẩm OCOP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, bán cho các siêu thị hoặc xuất bán quy mô lớn. Công ty đang mở rộng với quy mô trang trại giống hạt nhân; khu chăn nuôi lợn công nghệ cao; khu chăn nuôi gia cầm, bò và nhà máy sản xuất thức ăn, công suất 200-250 tấn/ngày.
Cùng với các doanh nghiệp lớn, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi trên địa bàn áp dụng các mô hình an toàn, vệ sinh, đồng thời thường xuyên kiểm tra việc chấp hành thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi. Từ đó, lập hồ sơ để quản lý theo quy định của pháp luật và yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường.
Với mô hình gia trại chăn nuôi trên 200 con lợn thịt, để đảm bảo vệ sinh môi trường, từ năm 2020, gia đình anh Vũ Văn Diên (khu Lâm Sinh 2, phường Minh Thành, TX Quảng Yên) đã sử dụng đệm lót sinh học trong chuồng trại. Anh Vũ Văn Diên chia sẻ: Qua một thời gian thực hiện, tôi thấy, việc áp dụng đệm lót sinh học trong nuôi lợn rất hiệu quả. Đệm lót được làm bằng nguyên liệu hữu cơ đã được lên men bằng vi sinh vật sử dụng làm nền chuồng giúp phân hủy chất thải chăn nuôi, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch không ô nhiễm... Đến nay, đàn lợn của gia đình phát triển ổn định, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.
Tuy nhiên hiện nay, ngành chăn nuôi trong tỉnh, nông hộ còn chiếm tỷ trọng lớn, tới 96%, rất khó sản xuất theo chuỗi giá trị; việc nuôi nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn sự bấp bênh trong công tác tiêu thụ, vệ sinh môi trường và kiểm soát an toàn dịch bệnh.
Theo thống kê, chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh trong quá trình chăn nuôi ước tính 650 tấn/ngày, đêm. Trong đó, số ít được xử lý qua hệ thống Biogas, số còn lại xả thẳng ra môi trường và tập trung chủ yếu ở các vùng đông dân cư, vùng nông thôn, miền núi. Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho hay: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định, phát triển nông nghiệp sạch - công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng giai đoạn tới. Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm, trong đó, đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường, tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh. Đồng thời, tăng hàm lượng khoa học và ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm làm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()