Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:08 (GMT +7)
Tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong cải cách hành chính
Thứ 5, 28/04/2022 | 17:30:01 [GMT +7] A A
Những năm qua, Quảng Ninh đã tăng cường chỉ đạo điều hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện chuyển đổi số trong CCHC. Từ đó xây dựng nền tảng phát triển chính quyền điện tử, Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin nói chung, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của tỉnh đã đóng vai trò tích cực trong việc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền một cách nhanh chóng, thuận lợi. Đồng thời, là công cụ CCHC, giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng minh bạch, công khai, đồng thời còn tạo môi trường cung cấp, trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân một cách thuận tiện, kịp thời, dễ dàng thông qua cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công, thư điện tử và trực tiếp qua các Trung tâm Hành chính công. Vì vậy, tỉnh đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo để nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công. Điển hình như Kế hoạch số 4879/KH-UBND ngày 17/8/2015 của UBND tỉnh về "thực hiện Chương trình hành động số 33- CTr/TU ngày 27/01/2015 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 07/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bển vững và hội nhập quốc tế". Quyết định số 4183/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 của UBND tỉnh về "việc quy hoạch phát triển và ứng dụng CNTT tỉnh Quảng Ninh dến năm 2020, tầm nhìn 2030"...
Nhờ đó, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Đến nay, 100% CBCCVC của các cơ quan hành chính nhà nước được trang bị máy tính có kết nối mạng Internet để thực hiện công việc, được cấp tài khoản công chức điện tử. Tỉnh cũng đã xây dựng hệ thống chính quyền điện tử hiện đại với sự tham gia của 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với 100% bộ, ban, ngành của Trung ương và 100% các địa phương trong toàn quốc để gửi, nhận văn bản điện tử có chữ ký số; cổng dịch vụ công của tỉnh đã kết nối liên thông với cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, 100% TTHC từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết TTHC trong phạm vi toàn tỉnh. 100% TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 90% TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tỉnh cũng xây dựng 27 hệ thống phần mềm dùng chung và chuyên ngành để hỗ trợ quá trình giải quyết TTHC như Cơ sở dữ liệu du lịch, quản lý hộ chính sách, quàn lý hộ nghèo, quản lý môi trường....
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2008, 9001-2015 được triển khai tại 261 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh... Nhờ đó, đã đáp ứng yêu cầu công tác cải cách TTHC trong cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; giúp CBCCVC của cơ quan, đơn vị, địa phương làm việc khoa học hơn, giải quyết công việc đạt kết quả cao, hạn chế đến mức tối đa tình trạng gây “phiền hà, tham nhũng”.
Những nỗ lực của Quảng Ninh đã “bắt kịp” với “nhịp sống” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đảm bảo sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Điều đó có thể thấy rõ trong giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh luôn đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT-Index), thành phố và được nhận giải thưởng ASOCIO - giải thưởng công nghệ thông tin uy tín hàng đầu do Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á - Châu Đại Dương tổ chức. Đặc biệt 2 năm 2019 và 2020, Quảng Ninh vươn lên thứ 3/63 toàn quốc Chỉ số ICT-Index và vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh. Đây là trung tâm có quy mô tích hợp đồng bộ nhất hiện nay tại Việt Nam, có thể ví như “bộ não” của tỉnh, được tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có của tỉnh, cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích để điều hành, ra những quyết định sáng suốt, kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp...
Hiện nay, Quảng Ninh đang chỉ đạo chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật, công khai minh bạch đầy đủ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng văn hóa, văn minh công sở trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo yêu cầu 3 giảm “Giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư và nhân dân”, tăng tỷ lệ giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích. Ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo bước đột phá hiện đại hóa nền hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ và ứng dụng sâu công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cơ quan nhà nước “không giấy tờ”, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát việc giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân tại những địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi sang xây dựng chính quyền số.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()