Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:36 (GMT +7)
Kiểm điểm tiến độ thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh
Thứ 3, 19/04/2022 | 19:44:17 [GMT +7] A A
Chiều 19/4, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư định danh xác thực điện tử trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi Kế hoạch số 59 của UBND tỉnh được ban hành, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã tích cực triển khai chuyển đổi số với 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, một số lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số như y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, công nghiệp, giao thông vận tải, logistics, cửa khẩu, nông nghiệp... đã được ban hành các quyết định thành lập Ban chuyển đổi số và kế hoạch chuyển đổi số đối với từng lĩnh vực.
Trong xây dựng chính quyền số, đến nay tỉnh đã cung cấp được 1.712 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tổng số 1.832 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trong đó 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trên 80% người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử cung cấp như: Dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử, tra cứu mã hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính… Từ đầu năm đến nay, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là 90.482/156.004 tổng số hồ sơ, đạt tỷ lệ 58%.
Đối với phát triển kinh tế số, Quảng Ninh đã đưa 489 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn. Về phát triển hạ tầng công nghệ 5G, đến nay Viettel đã lắp đặt và phát sóng thử nghiệm 2 trạm đặt tại tòa nhà Liên cơ quan số 2 và Khu du lịch Tuần Châu, bán kính phủ sóng khoảng 300m.
Thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Quảng Ninh, đến nay Công an tỉnh đã thu thập, cập nhật, chỉnh sửa gần 1,5 triệu dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thông báo 100% số định danh cho công dân trên địa bàn; cập nhật hơn 131.000 trường hợp chưa có dữ liệu CMND 9 số trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ gần 72%; hoàn thiện gần 1,1 triệu hồ sơ cấp CCCD, đạt tỷ lệ gần 98% và tiếp nhận gần 29.000 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân… Từng bước đảm bảo dữ liệu dân cư đúng, đủ, sạch, sống, để thực hiện Đề án 06. Đối với việc tích hợp 25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã hoàn thành và sẵn sàng triển khai 12/14 thủ tục hành chính có thời hạn thực hiện trong tháng 3/2022.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi số toàn diện và phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư định danh xác thực điện tử. Đồng chí yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt và quán triệt sâu rộng đến toàn bộ CBCCVC-NLĐ về Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư định danh xác thực điện tử trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, có quy chế bắt buộc CBCCVC sử dụng hệ thống chính quyền điện tử, chữ ký số, tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch, trong đó chú trọng xây dựng dữ liệu số của từng ngành.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì việc triển khai nâng cấp chất lượng Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh; thành lập tổ hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng; xây dựng hệ thống công cụ kiểm soát, đánh giá mức độ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác truyền thông chuyển đổi số đến người dân.
Việt Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()