Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:13 (GMT +7)
Tăng cường tiềm lực KHCN ở cấp huyện
Thứ 7, 17/12/2022 | 07:19:00 [GMT +7] A A
Để hoạt động KHCN phát huy giá trị thực tiễn, các địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh việc phổ biến, chuyển giao những công nghệ mới vào phục vụ sự phát triển KT- XH ở địa phương.
Xác định KHCN là yếu tố then chốt, tạo đòn bẩy cho các ngành, lĩnh vực phát triển, những năm gần đây TX Đông Triều đã luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực thích đáng cho hoạt động này. Đặc biệt, từ năm 2021 BCH Đảng bộ thị xã đã thông qua nghị quyết chuyên đề về phát triển KHCN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt ra 10 nhóm mục tiêu và 21 chỉ tiêu cụ thể, cùng nhiều giải pháp cốt lõi để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN vào phục vụ sự phát triển KT-XH.
Tính trong 2 năm gần đây, thị xã đã bố trí 54,1 tỷ đồng cho hoạt động KHCN, trong đó ưu tiên những dự án, đề tài, nhiệm vụ trong lĩnh vực Đông Triều đang tập trung, như nông nghiệp, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường. Đến nay, trong nông nghiệp, thị xã đã nghiên cứu, nhân giống được một số giống mới có tiềm năng, năng suất cao; áp dụng kỹ thuật mới vào quản lý giám sát dịch bệnh trên cây trồng; đưa công nghệ bay không người lái vào công đoạn bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật...
Ngoài ra, Trung tâm Y tế thị xã cũng tích cực chuyển giao các kỹ thuật mới, chuyên sâu, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; chất lượng dạy và học của các trường học cũng được đổi mới nhờ sự trợ lực của công nghệ; cải cách hành chính với sự tiếp sức của CNTT đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...
Không chỉ riêng TX Đông Triều, tại nhiều địa phương khác, hoạt động KHCN cũng thu được nhiều dấu ấn. Theo đánh giá của Sở KH&CN, điểm nhấn trong hoạt động KHCN cấp huyện là những mô hình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mà hầu hết đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nhằm hỗ trợ và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương. Tùy vào tình hình thực tế, ngân sách và thời gian thực hiện, số lượng mô hình, đề tài, dự án thực hiện hằng năm sẽ khác nhau. Qua đó giúp người dân cải thiện sinh kế và trợ lực cho nền nông nghiệp phát triển.
Trong năm 2022, Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) đã hoàn thành nhiệm vụ KHCN: “Nghiên cứu xây dựng kỹ thuật nhân giống và quy trình sản xuất các sản phẩm trà hoa vàng tại huyện Ba Chẽ”. Qua kết quả nghiên cứu, thử nghiệm, công ty đã nhân giống thành công giống trà hoa vàng bằng phương pháp giâm hom và thực hiện chuyển giao kỹ thuật này cho địa phương để phổ biến đến các hộ trồng trên địa bàn huyện. Kết quả của nhiệm vụ KHCN này đã góp phần bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý của địa phương, phục vụ cho mục tiêu mở rộng diện tích trồng cây trà hoa vàng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
Đặc biệt, từ nguồn lực của mình, các địa phương đã và đang duy trì việc khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất kinh doanh chủ động đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Cùng với đó, hoạt động sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh, với nhiều sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; xây dựng số hóa dữ liệu trên phần mềm quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm truyền thống và đặc trưng của địa phương.
Để hoạt động KHCN tiếp tục có những bứt phá mạnh mẽ, đóng góp lớn cho sự phát triển KT-XH, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục có những cơ chế khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư dự án trong lĩnh vực KHCN, chủ động đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường chuyển giao KHCN trong các lĩnh vực; đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực KHCN; ưu tiên dành nguồn lực thích đáng và tích cực huy động xã hội hóa cho hoạt động này.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()