Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:20 (GMT +7)
Thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao
Thứ 3, 25/01/2022 | 08:30:09 [GMT +7] A A
Trong giai đoạn phát triển mới, Quảng Ninh xác định công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là một trong ba trụ cột chính của ngành công nghiệp, là động lực cho phát triển kinh tế, tạo sự tăng trưởng bền vững cho tỉnh. Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển vào các ngành sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Trong giai đoạn trước đây, công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh cũng đã đạt được những thành tựu nhất định trong một số ngành nghề có nhiều lợi thế, như: Dệt may, chế biến thực phẩm, cơ khí, vật liệu xây dựng... Những ngành này hiện vẫn đang có nhiều bước tiến mới hiệu quả và bền vững hơn nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, nâng cao hiệu suất, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũ của Quảng Ninh về cơ bản vẫn là những ngành phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, công nghệ ít nhiều gây tác động tới môi trường, không phù hợp với định hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Chính vì vậy, trong nội dung của Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - nghị quyết đầu tiên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, đã nêu rõ: Tỉnh sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực để phát triển và thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với cơ cấu hợp lý, có khả năng cạnh tranh; ưu tiên thu hút doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực; có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu...
Cụ thể hóa định hướng đúng đắn này, trong suốt thời gian qua, tỉnh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực mở cửa đón làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Tiêu biểu có thể kể đến dự án của Tập đoàn Foxconn - tập đoàn xếp thứ 24 trong nhóm 500 tập đoàn lớn nhất toàn cầu, là nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho hàng loạt “ông lớn” như Apple, Motorola, Nokia và HP... đã đầu tư và đang hoạt động sản xuất tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên). Trong năm vừa qua, nhà máy của Foxconn tại KCN Đông Mai ước sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu kim ngạch khoảng 250 triệu USD và giá trị xuất khẩu này sẽ được nâng lên 500 triệu USD, 1 tỷ USD vào những năm tiếp theo. Foxconn hiện cũng đang chuẩn bị mở rộng dự án và thu hút thêm các nhà đầu tư đối tác để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tại KCN Đông Mai, trở thành doanh nghiệp hàng đầu về giá trị xuất khẩu tại tỉnh Quảng Ninh.
Sau thành công của Foxconn, hàng loạt các nhà đầu tư lớn, có tên tuổi, tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm dày dặn trong các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao đã tìm đến Quảng Ninh để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Nổi bật nhất trong số đó là 2 đại dự án với tổng vốn đầu tư gần 900 triệu USD của Jinko Solar - một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn và tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay với vị trí thứ nhất và nắm giữ 12,6% thị trường toàn cầu tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên). Trong đó, dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam chỉ sau gần 4 tháng triển khai xây dựng đã ra mắt sản xuất sản phẩm đầu tiên.
Tại buổi lễ khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm, ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam), chia sẻ: Là một trong những nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời sáng tạo và lớn nhất thế giới, Jinko Solar đã xây dựng một chuỗi công nghiệp tích hợp theo chiều dọc hoàn chỉnh, cung cấp các mô-đun năng lượng mặt trời, các giải pháp và dịch vụ kỹ thuật cho các dự án quy mô lớn, các dự án công nghiệp, thương mại và các dự án dân dụng tại hơn 160 quốc gia và khu vực trên thế giới. Mục tiêu chúng tôi đề ra là sẽ giúp ngành năng lượng mặt trời toàn cầu bước vào kỷ nguyên mới, thúc đẩy sự chuyển đổi xanh của cấu trúc năng lượng toàn cầu. Trong bối cảnh mới, Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được sự quan tâm của Jinko với chính sách đầu tư ưu đãi, vị trí địa lý vượt trội, dịch vụ vận chuyển hàng hóa thông suốt và nguồn nhân lực dồi dào, nhất là định hướng “phát triển xanh” rất phù hợp với triết lý và tầm nhìn của chúng tôi. Dự án của chúng tôi từ khi khảo sát, ký kết hợp đồng, xây dựng, sản xuất chưa đến thời gian 1 năm, điều đó một lần nữa khẳng định đến Quảng Ninh của Jinko là một sự lựa chọn đúng đắn.
Bên cạnh Foxconn, Jinko Solar, hàng loạt các tên tuổi khác trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh đã và đang đầu tư và sản xuất kinh doanh tại Quảng Ninh, như: Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long); Nhà máy sản xuất công cụ y khoa và Tổ hợp nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế tại xã Quảng Phong (huyện Hải Hà); Nhà máy sản xuất loa và tai nghe của Công ty Tonly Technology Limited tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên); hay mới đây nhất là dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh - dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu tại miền Bắc... Điều đó đã khẳng định thêm một lần nữa định hướng thu hút đầu tư, chuyển đổi phương thức phát triển đúng đắn của tỉnh trong giai đoạn mới.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()