Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:18 (GMT +7)
Tăng cường thanh, kiểm tra các dự án đầu tư công
Thứ 5, 28/12/2023 | 13:03:58 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh xác định đầu tư công là nguồn lực, động lực, trụ cột cực kỳ quan trọng tạo ra tăng trưởng kinh tế, vì thế, hàng năm tỉnh đều dành trên 12.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng các dự án, công trình. Để nguồn vốn này phát huy hiệu quả, tránh gây lãng phí và vi phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân, tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo các ngành chức năng đưa nội dung thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công vào chương trình thanh tra, giám sát chuyên đề và đột xuất không báo trước. Nội dung thanh tra, kiểm tra chủ yếu tập trung ở việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư công tại các công trình trọng điểm có mức đầu tư lớn, chưa quyết toán hoặc giải ngân chậm trên địa bàn tỉnh; thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng của các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp tỉnh, cấp huyện; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lĩnh vực tài chính - ngân sách, quản lý và sử dụng tài sản công của các sở, ngành, địa phương.
Cơ quan Thanh tra từ tỉnh đến cơ sở là đơn vị được giao chức năng, nhiệm vụ chính trong triển khai thực hiện các cuộc thanh, kiểm tra các dự án đầu tư công trên địa bàn đã thường xuyên bám sát kế hoạch thanh, kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra ở hầu hết các chủ đầu tư, địa phương, nhất là đối với những chủ đầu tư, địa phương được giao quản lý, sử dụng số vốn đầu tư công lớn, các dự án, công trình động lực, trọng điểm.
Theo thống kê, từ tháng 8/2020 đến hết tháng 7/2023, các cơ quan thanh tra tỉnh, thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã triển khai 477 cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất. Kết quả đã ban hành kết luận 444 cuộc thanh, kiểm tra, trong đó có 35 kết luận về lĩnh vực đầu tư công, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 49 tỷ đồng, giảm trừ và loại khỏi giá trị quyết toán 28 tỷ đồng, xử lý khác 40 tỷ đồng.
Cùng với đó, cơ quan Thanh tra các cấp đã kiến nghị cấp ủy, chính quyền kiểm điểm trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với 136 tập thể, 449 cá nhân. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện khiển trách 23 cá nhân, cảnh cáo 3 cá nhân, cách chức 2 cá nhân và buộc thôi việc 1 cá nhân.
Ngoài công tác thanh, kiểm tra của ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh còn duy trì hiệu quả hoạt động các ban giám sát đầu tư cộng đồng. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh thành lập được 491 ban giám sát đầu tư cộng đồng, với tổng số 2.590 thành viên là những hội viên của tổ chức chính trị - xã hội, nòng cốt trực tiếp là người dân ở khu dân cư nơi có dự án, công trình được triển khai đầu tư.
Các thành viên trong ban giám sát đầu tư cộng đồng được tập huấn, hướng dẫn, trao đổi, nâng cao nghiệp vụ về công tác giám sát đầu tư công. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã đã chủ động xây dựng chương trình giám sát đầu tư, thành lập các ban giám sát theo từng công trình, danh mục đầu tư; phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên; đôn đốc, chỉ đạo các thành viên nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo hầu hết các công trình, dự án đều được giám sát, kiểm tra thường xuyên, liên tục.
Theo thống kê từ các địa phương, các ban giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức giám sát được 949 cuộc. Trong quá trình hoạt động, các ban đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, cắt cử thành viên giám sát thường xuyên, có ý kiến trực tiếp với chủ đầu tư, đơn vị giám sát, nhà thầu thi công để chỉnh sửa, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với bản vẽ thiết kế, tình hình thực tế tại hiện trường, đảm bảo chất lượng công trình đầu tư.
Qua quá trình giám sát, ban giám sát đầu tư cộng đồng đã kịp thời phát hiện và kiến nghị đối với 109 dự án, công trình, trong đó có 107/109 dự án, công trình được các đơn vị liên quan giải quyết (đạt 98%), tiêu biểu ở các địa phương: Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà.
Từ công tác tăng cường thanh, kiểm tra đối với các dự án đầu tư công đến nay đã giúp cho sở, ngành, địa phương nhận rõ những điểm còn bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, qua đó kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét xử lý, giải quyết theo quy định. Đặc biệt, từ công tác thanh, kiểm tra đã giúp cho các đơn vị sử dụng nguồn ngân sách hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, không tập trung, gây lãng phí nguồn lực đầu tư và hạn chế được tình trạng “dưới duyệt - trên cấp”.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()