Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:53 (GMT +7)
Tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thứ 3, 24/09/2024 | 15:33:49 [GMT +7] A A
Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 10/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thời gian qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Từ đó, phát huy cao nhất mọi nguồn lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chỉ thị số 23 đến toàn thể nhân dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bằng nhiều hình thức khác nhau. Từ năm 2022 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành 482 văn bản để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; sửa đổi, bổ sung 32 văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; tổ chức gần 1.300 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cán bộ, công chức, nhân dân; các cơ quan, đơn vị truyền thông đã đăng tải trên 8.000 lượt tin, bài, ảnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ tỉnh đến cơ sở.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trong tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các lĩnh vực. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành các quyết định công khai số liệu dự toán thu chi ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách địa phương. Sở Tài chính công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng quý và 06 tháng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị dự toán, tổ chức được hỗ trợ NSNN đã thực hiện công khai quyết toán ngân sách, dự toán ngân sách, tình hình thực hiện dự toán hàng quý, 06 tháng theo đúng quy định. Cơ cấu thu ngân sách đã có sự điều chỉnh tập trung vào các khoản thu thuế, phí bền vững trong đó số thu từ thuế, phí, lệ phí (không bao gồm thu từ ngành than, thu từ đất, khoáng sản) năm 2023 tăng 28% so với năm 2021 – năm trước khi ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán có chuyển biến tích cực, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung vốn đầu tư công. Giai đoạn 2022-2024 thẩm định đề xuất dự toán kinh phí chi thường xuyên giảm gần 6.500 tỷ đồng so với dự toán đề xuất các đơn vị, địa phương. Tỉnh cũng đã thực hiện giữ lại 427 tỷ đồng tương ứng 10% kinh phí tự chủ (không bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp) tại các cấp ngân sách để bổ sung nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm so với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, tổng kinh phí tiết kiệm để bổ sung quỹ cải cách tiền lương là 1.660 tỷ đồng. Việc tiết kiệm chi thường xuyên, bổ sung nguồn cải cách tiền lương đã đảm bảo nguồn lực cho tỉnh trong việc thực hiện chính sách tiền lương của Trung ương.
Trong quá trình điều hành ngân sách, tỉnh đã chỉ đạo rà soát các khoản chi thường xuyên, các nguồn tăng thu, kết dư và nguồn tài chính hợp pháp khác để bổ sung chi đầu tư công, phân bổ cho các dự án, công trình trọng điểm. Trong giai đoạn 2022-2024, các cấp ngân sách đã bổ sung gần 9 nghìn tỷ đồng chi đầu tư công từ các nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, tăng thu, kết dư, nguồn tài chính hợp pháp khác, đảm bảo tỷ lệ chi đầu tư phát triển trên tổng chi ngân sách địa phương trên 55% theo kế hoạch. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện kiểm soát chi tiêu nội bộ, công khai minh bạch trong tổ chức sắp xếp công việc, nhân sự, chi tiêu tài chính, thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách, tài sản công. Việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế được thực hiện theo kế hoạch. Toàn tỉnh có 431 đơn vị thực hiện chế độ tự chủ, kinh phí tiết kiệm trong giai đoạn 2022-2023 khoảng 500 tỷ đồng. 100% sở, ngành hoàn thành việc kiện toàn tổ chức theo quy định; ban hành kế hoạch tinh giản biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách, đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2023-2026; thực hiện tinh giản biên chế đối với 63 trường hợp. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính với các đơn vị sự nghiệp công lập đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách, giảm số tiền ngân sách cấp trực tiếp, chuyển sang cấp theo sản phẩm đầu ra dịch vụ bằng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Song song với đó, tỉnh cũng chỉ sát sao công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Ninh luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Toàn tỉnh đã cung cấp 1.675 thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, tăng 250 thủ tục hành chính so với trước khi ban hành Chỉ thị số 23-CT/TƯ; kết nối 1.248 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên cổng dịch vụ công quốc gia; năm 2023 cung cấp 42.292 dịch vụ công trực tuyến đạt 98,5% đứng thứ nhất toàn quốc; 100% việc trao đổi, gửi, nhận văn bản được thực hiện trên môi trường điện tử, tỷ lệ hài lòng của tổ chức, người dân qua các kênh đạt trên 99% …
Cùng với các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Công tác thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính. Giai đoạn 2022-2024, thực hiện chỉ đạo của các cấp thẩm quyền, thanh tra tỉnh, thanh tra các sở, ban, ngành, địa phương đã triển 354 cuộc thanh tra, kiểm tra kinh tế - xã hội tại 389 cơ quan, đơn vị, xử lý, thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền 61,34 tỷ đồng ; 62 cuộc thanh tra trách nhiệm, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 1,9 tỷ đồng, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 26 tập thể, 30 cá nhân,...Bên cạnh đó, thanh tra các sở đã thành lập 1.448 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện và xử phạt hành chính đối với 6.265 trường hợp là cá nhân, tổ chức, với tổng số tiền xử phạt vi phạm là hơn 35 tỷ đồng.
Việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần quan trọng để Quảng Ninh thực hiện thắng lợi, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Năm 2023 GRDP của Quảng Ninh đạt 11,03%, gấp đôi bình quân chung cả nước; quy mô nền kinh tế ước đạt trên 310.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020; thu ngân sách nhà nước đạt trên 55.600 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 3 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm, dẫn đầu cả nước, tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền, hoàn thành nhiều mục tiêu của cả giai đoạn 2020-2025.
Ngọc Khôi - Thu Huyền
Liên kết website
Ý kiến ()