Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:01 (GMT +7)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với huy động, sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Thứ 2, 07/08/2023 | 17:59:37 [GMT +7] A A
Ngày 7/8, Thường trực Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về tình hình quản lý, huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” và Kết luận số 06 ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 cùng một số nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức triển khai tích cực, nghiêm túc, có hiệu quả đến tất cả xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 26/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 26 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách tín dụng xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đến ngày 31/7/2023, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 1.020 tỷ đồng, chiếm 23% tổng số vốn, tăng 984 tỷ đồng và gấp 28 lần so với thời điểm trước Chỉ thị số 40 được ban hành, đứng thứ 7 toàn quốc về số vốn ủy thác.
Từ hoạt động vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với thủ tục đơn giản, mức vay và phương thức trả nợ phù hợp, lãi suất ưu đãi, thời gian dài…, người nghèo và các đối tượng chính sách đã dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, sử dụng vốn có trách nhiệm, trả nợ đúng hạn, tạo được việc làm, tăng thu nhập, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn vốn được bảo toàn và phát huy hiệu quả.
Trong giai đoạn 2014-2023, nguồn vốn tín dụng chính sách Trung ương và địa phương tập trung đầu tư đã góp phần giúp trên 30.000 lượt hộ thoát nghèo, cận nghèo bền vững; tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, tăng thu nhập cho trên 97.000 người lao động. Riêng từ đầu năm 2023 tới nay đã tạo việc làm mới cho gần 2.200 lao động; cho gần 2.900 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 118.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và 2.600 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách; trên 430 cơ sở, người lao động được vay vốn chuyển đổi nghề; hơn 4.100 lượt người lao động tại vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo được tiếp cận với nguồn vốn ngân sách địa phương để phát triển sản xuất. Năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả ba cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng, miền trong tỉnh.
Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao thời gian qua hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất hiệu quả, nhất là sau khi Chỉ thị số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh được ban hành.
Qua ý kiến thảo luận, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất, thời gian tới phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền địa phương các cấp đối với công tác huy động, quản lý sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo hướng rà soát tối đa các đối tượng thuộc diện bao phủ của hoạt động tín dụng chính sách xã hội để mở rộng đối tượng được thụ hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội một cách bền vững theo quy định pháp luật. Mục tiêu nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nhân dân; thúc đẩy phát triển sản xuất; thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, công bằng xã hội, tiến bộ xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo, gắn với các chương trình mục tiêu của quốc gia và của tỉnh.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các địa phương và các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát các đối tượng thuộc diện Trung ương quy định và tỉnh Quảng Ninh quy định, nhất là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo mới thoát nghèo theo tiêu chí Trung ương; hộ nghèo, cận nghèo mới xuất hiện theo tiêu chí mới của tỉnh và các xã, thôn, bản mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn nhưng vẫn nằm trong diện Chương trình 06 để tính toán kỹ càng đối tượng, nội dung nhiệm vụ, nhu cầu, nguồn vốn, lộ trình bố trí đủ nguồn tài chính từ nguồn ngân sách địa phương phù hợp với quy định pháp luật; tăng cường quản lý bằng mô hình tập trung thống nhất, phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm và hệ thống ngân hàng chính sách xã hội để đảm bảo an toàn nguồn vốn theo đúng mục tiêu.
Xem xét, nghiên cứu các ý kiến đề xuất tại hội nghị liên quan tới việc quan tâm mở rộng một số đối tượng được thụ hưởng từ nguốn vốn tín dụng chính sách xã hội như hộ nghèo, cận nghèo mới theo chuẩn mới của tỉnh, hộ sản xuất kinh doanh của vùng miền núi, biên giới, hải đảo gắn với phát triển lâm nghiệp, thủy sản bền vững; những gia đình có người nghiện ma túy, người hoàn lương, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã.
Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy Ngân hành chính sách các cấp để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quản lý và sử dụng vốn đúng mục tiêu, mục đích, cho vay đúng đối tượng; nâng cao trách nhiệm của cấp xã trong việc xác định đối tượng cho vay.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng khác.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()