Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:27 (GMT +7)
Bài dự thi Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Quảng Ninh năm 2022 Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới
Thứ 3, 04/10/2022 | 08:53:33 [GMT +7] A A
Giai đoạn 2019-2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy (PCMT) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt kết quả cao. Các lực lượng chức năng đã chủ động điều tra, khám phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, qua đó góp phần giữ vững ANTT, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thách thức, khó khăn
Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong nước có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc; có 3 cửa khẩu và nhiều đường mòn, lối mở thường xuyên có hoạt động qua lại làm việc, buôn bán, thăm thân của cư dân 2 bên biên giới. Quảng Ninh là địa bàn trọng điểm trong vùng động lực kinh tế phía Bắc, là trung tâm công nghiệp, dịch vụ du lịch, thương mại lớn của cả nước; có tốc độ đô thị hóa nhanh, tỷ lệ dân nhập cư từ các tỉnh, thành khác đến làm việc, sinh sống cao, cùng với số lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến. Những đặc điểm tình hình trên tạo thuận lợi cho phát triển về kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt ra rất nhiều thách thức, khó khăn trong công tác đảm bảo ANTT nói chung, phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy nói riêng.
Những năm gần đây, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh tuy đã được kiềm chế và kiểm soát tốt hơn, song vẫn diễn biến phức tạp. Quảng Ninh có xu hướng chuyển từ địa bàn trung chuyển ma túy sang địa bàn tiêu thụ ma túy; tỷ lệ đối tượng phạm tội về ma túy truyền thống có xu hướng giảm, về ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ lớn; các vụ phát hiện chủ yếu là mua bán, tàng trữ nhỏ, lẻ và tổ chức sử dụng trái trái phép chất ma túy, nguồn ma túy xâm nhập vào địa bàn tỉnh chủ yếu từ các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương...; phương thức thủ đoạn phạm tội của các đối tượng ngày càng tinh vi, nhất là trong thời gian tỉnh thành lập các trạm, chốt để kiểm soát dịch Covid-19, xuất hiện phương thức lợi dụng vận chuyển hàng hóa “luồng xanh”, đường bưu điện để vận chuyển ma túy. Bên cạnh đó, các đối tượng rất liều lĩnh, manh động, sẵn sàng tấn công, chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Trên tuyến biên giới Việt - Trung, từ cuối năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng 2 nước đã tăng cường các hoạt động kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, bắt giữ xử lý các loại tội phạm trên tuyến biên giới, cùng với việc xây dựng hàng rào biên giới của phía Trung Quốc, nhờ đó tình hình tội phạm ma túy hoạt động trên tuyến biên giới có xu hướng giảm.
Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh, tình hình sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ, số đối tượng phát hiện bắt giữ xử lý tăng cao so với giai đoạn trước; tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy tuy giảm, nhưng số liệu thống kê chưa phản ánh hết tình hình thực tế, nhất là số người sử dụng trái phép chất ma túy; tình trạng các đối tượng “ngáo đá”, loạn thần do sử dụng trái phép chất ma túy, dẫn đến phát sinh vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng về ANTT vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.
Quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Xác định công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và phải được duy trì thường xuyên, liên tục, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác PCMT, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW (ngày 16/8/2019) “Về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 32-Ctr/TU; trong đó tập trung chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Đồng thời huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, đề cao vai trò của lực lượng chuyên trách trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy. Trong đó, lực lượng công an là nòng cốt; kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung và giảm cầu, giảm tác hại của ma túy và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy; kiên quyết không để tội phạm ma túy lợi dụng địa bàn Quảng Ninh làm nơi trung chuyển ma túy, không để hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy bức xúc trong nhân dân…
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Phòng, chống ma túy 2021 (có hiệu lực từ 1/1/2022), ngày 28/1/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 688-CV/TU để khắc phục các tồn tại, hạn chế, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào tình hình diễn biến của tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh theo từng địa bàn, lĩnh vực và chức năng nhiệm vụ, các ban đảng, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chỉ thị, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW. Trong đó, các Đảng bộ như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Sở LĐ-TB&XH... đã phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách, nòng cốt trong tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo công tác PCMT trên địa bàn tỉnh; đồng thời phát huy trách nhiệm phối hợp trong công tác đấu tranh PCMT, nhất là phối hợp trong bắt giữ, xử lý các vụ án về ma túy tại khu vực biên giới, cửa khẩu và thực hiện công tác cai nghiện, quả lý sau cai. Qua gần 3 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, công tác PCMT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Đồng bộ các giải pháp và những kết quả nổi bật
Trong PCMT, công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng. Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nội dung phong phú theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thực chất phù hợp đến đông đảo nhân dân, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao, như lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân trong các khu công nghiệp, công ty than trên địa bàn. Trong đó, lực lượng công an tăng cường phối hợp thực hiện tuyên truyền PCMT tới đông đảo quần chúng nhân dân bằng các hình thức đa dạng. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ đã mang lại những hiệu quả trong việc chuyển biến nhận thực và hành động của người dân tham gia vào công tác PCMT.
Trong công tác cai nghiện ma túy, điều trị nghiện ma túy, quản lý người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, toàn tỉnh đã tổ chức điều trị, cai nghiện ma túy cho 2.222 lượt người. Điểm sáng trong công tác cai nghiện là tỉnh đã ban hành và duy trì cơ chế, chính sách đặc thù. Đặc biệt HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 144/2018/NQ-HĐND “Quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” hỗ trợ toàn bộ chi phí cho người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Sau thời gian thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW trên địa bàn tỉnh, vai trò trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp và quần chúng nhân dân về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã được nâng lên. Chính quyền các cấp nhiều địa phương xác định công tác PCMT là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội. Lực lượng chuyên trách PCMT luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, không ngại khó khăn, gian khổ, phát huy tốt vai trò nòng cốt, xung kích trong triệt xóa nhiều ổ nhóm, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, số đối tượng phạm tội về ma túy phát hiện, bắt giữ năm sau nhiều hơn năm trước, trên địa bàn tỉnh không có các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.
Việc rà soát, thống kê, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai nghiện đã được nâng lên rõ rệt, nhất là sau khi triển khai Luật PCMT; công tác tuyên truyền, phòng ngừa đi vào chiều sâu, thực chất hơn, đã tập trung vào các địa bàn, đối tượng trọng điểm. Các tội phạm có nguyên nhân từ ma tuý, nhất là tội phạm về trật tự xã hội, như trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, giết người, cố ý gây thương tích được kéo giảm. Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy thời gian qua đã góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của trong tình hình mới.
Trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, lực lượng công an, biên phòng và hải quan phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ trong triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm về ma túy, tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ tỉnh ngoài vào địa bàn, các đường dây mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia, nhất là tại các tuyến biên giới, khu vực cửa khẩu; xử lý nghiêm các hành vi sử dụng, tổ chức, lôi kéo, chứa chấp sử dụng trái phép ma túy, nhất là tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT như quán bar, vũ trường, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn…; triển khai có hiệu quả các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn về ma túy theo địa bàn, lĩnh vực. Trong giai đoạn 2019-2022, toàn tỉnh đã bắt giữ, xử lý hình sự 1.646 vụ/2.656 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 26,225kg heroin, 32,145kg ma túy tổng hợp, 4,91kg cần sa, 10 súng, 387 viên đạn; xử lý hành chính 106 vụ, 1.044 đối tượng, xử phạt 1,1 tỷ đồng.
Tiếp tục đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh
Qua công tác triển khai thời gian qua ở Quảng Ninh cho thấy: Yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy chính là nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp PCMT gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, đoàn thể, địa phương trên từng địa bàn, lĩnh vực, trong đó vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng. Những nơi nào cấp ủy đảng và chính quyền chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác PCMT, làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý tốt địa bàn, nhất là các khu dân cư mới, vùng giáp ranh, giáp biên, thì ở đó công tác đấu tranh PCMT có chuyển biến tốt.
Do đó, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, chủ động hơn trong công tác PCMT, trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của tỉnh về công tác PCMT, trọng tâm là thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW và Chương trình PCMT giai đoạn 2021-2025; tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống ma túy và các nghị định liên quan, đây là hành lang pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai các biện pháp PCMT có hiệu quả.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường công tác nắm, dự báo chính xác tình hình hoạt động của tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn; thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy, người sau cai; rà soát lập danh sách các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” để có biện pháp quản lý, phòng ngừa, ngăn chặn không để các đối tượng có hành vi gây nguy hại cho xã hội; thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền PCMT cho các đối tượng nguy cơ cao mắc vào tội phạm, tệ nạn ma túy, nhất là học sinh phổ thông, công nhân, người lao động trên địa bàn.
Đại tá Vũ Đức Tính, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) cho biết: Sau đại dịch Covid-19 tình hình tội phạm ma túy có diễn biến phức tạp trở lại. Các đối tượng thay đổi cả về phương thức và thủ đoạn hoạt động, trong đó phải kể sự xuất hiện của một số loại ma túy mới trên địa bàn tỉnh. Trước thực tế tình hình đó, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy toàn tỉnh đã chủ động triển khai những giải pháp đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, nhằm triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý lớn qua địa bàn tỉnh, từ tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ; các địa bàn trọng điểm phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, không để các đối tượng lợi dụng tổ chức, sử dụng, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy, kịp thời phát hiện đấu tranh xử lý nghiêm minh đối với các hành vi này.
Với đặc thù tỉnh biên giới giáp trung Quốc, Công an tỉnh cũng sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là phối hợp với Công an Quảng Tây (Trung Quốc) trong công tác phòng, chống tội phạm ma tuý; nghiên cứu các hình thức trao đổi thông tin về tội phạm ma tuý với Công an Quảng Tây phù hợp với tình hình dịch Covid-19; phối hợp ngăn chặn có hiệu quả việc mua bán, vận chuyển ma túy tại các địa bàn dọc biên giới Việt - Trung.
Minh Hoàn (Công an tỉnh)
- Xung kích trong phòng chống ma túy - Dấu ấn của những Đảng viên trẻ
- Đường dây sản xuất ma túy ngụy trang sản phẩm tăng cường sinh lực
- Triệt xoá điểm bán lẻ ma tuý tại vùng ven
- Campuchia mở chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy và buôn người
- Tạm giữ hình sự chủ quán karaoke và 8 đối tượng tổ chức sử dụng ma túy
Liên kết website
Ý kiến ()