Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 07:39 (GMT +7)
Tăng cường quản lý thị trường dịp cuối năm
Thứ 5, 26/12/2024 | 16:30:46 [GMT +7] A A
Thời điểm cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm thực phẩm, hàng hóa tăng cao, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Cục QLTT tỉnh đã triển khai đợt cao điểm đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá cả và VSATTP.
Tại TP Hạ Long nơi diễn ra hoạt động mua bán sầm uất của tỉnh, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Đội QLTT số 5 đã xây dựng phương án, kế hoạch cao điểm, trong đó có biện pháp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người dân, các tiểu thương, cơ sở kinh doanh chấp hành các quy định pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm, hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh thanh kiểm tra ở tất cả các cơ sở, điểm kinh doanh, Trung tâm thương mại, siêu thị… trên địa bàn và xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Chị Đinh Tuyết Nhung, Đội trưởng Đội QLTT số 5, cho biết: Công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATTP là nhiệm vụ thường xuyên của những người làm công tác QLTT, nhưng trong dịp cuối năm đặc biệt là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, thị trường thường tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, do đó chúng tôi phải bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ những khu vực có nguy cơ cao, nhằm nắm bắt thông tin, tình hình để kịp thời xử lý khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo chức năng, thẩm quyền được giao. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết. Theo đó, thực hiện đợt cao điểm, từ ngày 1/11 đến nay, Đội đã kiểm tra 43 cơ sở, phát hiện và xử lý 43 vụ/55 hành vi/43 đối tượng, tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT các địa phương đã tăng cường công tác phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng như công an, biên phòng, hải quan, bám nắm địa bàn, nhất là tại các khu vực biên giới, cửa khẩu nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả. Quản lý nội địa về ATTP, giám sát hoạt động kinh doanh gas, xăng dầu. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các vi phạm trên thương mại điện tử hoặc sử dụng nền tảng số để kinh doanh.
Theo đó, sau khi phát động đợt Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, riêng tháng 12, toàn tỉnh đã phát hiện xử lý 47 vụ/ 47 đối tượng/50 hành vi vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 610 triệu đồng. Tổng số thu nộp ngân sách gần 289 triệu đồng. Luỹ kế 12 tháng, kiểm tra 1.174 vụ, phát hiện xử lý 1.068 vụ/1.068 đối tượng/1.212 hành vi vi phạm bằng 104% số vụ xử phạt so với cùng kỳ, với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng, bằng 147% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thực hiện văn minh thương mại, Cục QLTT tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương cũng như của tỉnh. Đơn vị đã xác định cụ thể tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra, kiểm soát thị trường, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ công tác. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm, phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng. Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như pháo nổ, pháo hoa các loại, thuốc lá, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, gia súc, gia cầm, các sản phẩm gia súc, gia cầm... Đặc biệt, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo; kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, ATTP.
Đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, BĐBP, Thanh tra chuyên ngành... thường xuyên rà soát, kiểm tra khâu lưu thông, nhất là hàng hóa vận chuyển từ biên giới vào nội địa cả trên tuyến đường bộ và đường biển, các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Chủ động, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong đợt cao điểm; kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tham gia đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; tiến hành ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết vi phạm.
Mai Hương
Liên kết website
Ý kiến ()